Sau 78 năm giành Độc lập, hơn 3 thập kỷ mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), Việt Nam đã trở thành mắt xích không thể thiếu của chuỗi cung ứng toàn cầu. Đó là một thành tựu đáng tự hào.
Kể từ giai đoạn căng thẳng thương mại Mỹ – Trung, và cả thời kỳ đại dịch, những “gã khổng lồ” công nghệ đã dịch chuyển chuỗi cung ứng của họ đến Việt Nam. (Nguồn: Báo Đầu tư) |
Mắt xích không thể thiếu
Ít ngày trước, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam, đã cùng các chuyên gia Hàn Quốc và Việt Nam đi thực địa tại 12 doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ của Dự án Hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh trong đợt I/2023. Vui mừng chứng kiến sự thay đổi ngoạn mục của các doanh nghiệp sau khi tham gia Dự án, ông Choi Joo Ho bày tỏ kỳ vọng rằng, các công ty sẽ tiếp tục duy trì và cải tiến trong thời gian tới để đạt được những thành công hơn nữa trong tương lai.
“Samsung hy vọng rằng, dự án hợp tác phát triển nhà máy thông minh sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt trên toàn lãnh thổ Việt Nam, giúp các doanh nghiệp có nhiều cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng không chỉ của Samsung, mà cả mạng cung ứng toàn cầu”, ông Choi Joo Ho đã nhiều lần nói như vậy.
Kể từ khi đầu tư lớn vào Việt Nam, cho đến nay, tổng vốn đầu tư đã lên tới trên 20 tỷ USD, Samsung đã luôn nỗ lực tìm kiếm, kết nối và đưa các doanh nghiệp Việt vào chuỗi cung ứng toàn cầu của mình. Nhờ những nỗ lực ấy, số lượng nhà cung cấp cấp 1 và cấp 2 của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung đã tăng gấp 10 lần, từ 25 doanh nghiệp vào năm 2014 lên 257 doanh nghiệp vào cuối năm 2022.
Con số có thể còn chưa được như kỳ vọng, nhưng những nhà đầu tư lớn như Samsung, hay Intel, LG… kể từ khi đầu tư vào Việt Nam đã góp phần “nâng cấp” nền kinh tế, đưa Việt Nam tham gia ngày càng sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Chỉ khoảng 10 – 15 năm trước đây, ít ai có thể tưởng tượng được rằng, Việt Nam có thể trở thành trung tâm của ngành công nghệ thông tin và điện tử toàn cầu. Nhưng giờ đây, câu chuyện đã khác.
“Các nhà máy ở Việt Nam hiện cung cấp hơn 50% sản lượng điện thoại di động của Samsung trên toàn cầu”, ông Choi Joo Ho cho biết.
Trong khi đó, theo ông Kim Huat Ooi, Phó chủ tịch phụ trách Sản xuất, Chuỗi cung ứng và Vận hành, kiêm Tổng giám đốc Công ty Intel Products Việt Nam, Intel Products Vietnam là nhà máy lớn nhất trong 4 nhà máy về mảng lắp ráp và kiểm định của Intel trên toàn cầu.
Với vốn đầu tư 1,5 tỷ USD, trong những năm qua, Intel Products Vietnam đã xuất xưởng hơn 3,5 tỷ đơn vị sản phẩm và hiện đang sản xuất những chipset công nghệ hiện đại nhất của Intel, như 5G, IOT, vi xử lý Intel Core thế hệ 13 mới nhất…
“Dòng đầu tư vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang có sự dịch chuyển lớn sang nhóm ngành công nghiệp có giá trị cao”, ông Christopher J Marriott, Tổng giám đốc Savills Đông Nam Á đã nói như vậy và cho biết, Việt Nam đang được xem là một trong những điểm đến nổi bật với năng lực sản xuất đạt mức kỳ vọng của các nhà đầu tư quốc tế, những tập đoàn công nghệ hàng đầu chuộng đầu tư vào Việt Nam.
8 tháng đầu năm nay, dù có sự sụt giảm so cùng kỳ năm ngoái, nhưng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm điện tử, máy tính và linh kiện, cũng như điện thoại và linh kiện vẫn đạt hơn 70 tỷ USD, chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (hơn 227 tỷ USD). Đóng góp cho con số này, không thể không nhắc tới Samsung, Intel, LG, rồi cả Foxconn, Luxshare, Goertek – những tên tuổi mới đã không ngừng đổ vốn vào Việt Nam trong những năm gần đây.
“Việt Nam đã chuyển mình thành một ngôi sao đang lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu, chiếm được thị phần toàn cầu đáng kể trong nhiều lĩnh vực, bao gồm dệt may, giày dép và điện tử tiêu dùng”, trong một báo cáo gần đây, Ngân hàng HSBC đã nhận định như vậy.
Trong số 5 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm nay, ngoài máy tính, điện thoại và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác cũng có kim ngạch xuất khẩu gần 27 tỷ USD, hàng dệt may là trên 22,3 tỷ USD, giày dép hơn 13,4 tỷ USD…
Lần lượt, đặc biệt là kể từ giai đoạn căng thẳng thương mại Mỹ – Trung, và cả thời kỳ đại dịch, những “gã khổng lồ” công nghệ đã dịch chuyển chuỗi cung ứng của họ đến Việt Nam.
Trung tâm mới của chuỗi cung ứng toàn cầu?
Chỉ không lâu sau khi nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án 293 triệu USD vào Khu công nghiệp Hoàng Mai I (Nghệ An), nhà đầu tư Runergy PV Technology Co.,Ltd đã quyết định tăng vốn đầu tư lên 440 triệu USD. Đề xuất này của Runergy đã vừa nhận được sự chấp thuận về chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An.
Với việc điều chỉnh mức đầu tư tăng thêm 147 triệu USD, dự án của Runergy sẽ nâng công suất thêm 24.255 tấn thanh silic/năm và 1.515 triệu tấm đĩa bán dẫn/năm. Đây chính là những bước đi đầu tiên trong chuỗi kế hoạch đầu tư tại Việt Nam của Runergy. Nếu mọi việc thuận lợi, Runergy sẽ nâng tổng vốn đầu tư tại Việt Nam lên 1,2 – 1,4 tỷ USD.
Dù chưa phải là dự án quy mô lớn duy nhất đầu tư vào Việt Nam trong thời gian gần đây, nhưng lại là trong lĩnh vực sản xuất linh kiện bán dẫn, một trong những lĩnh vực đầu tư rất “hot” trên toàn cầu thời gian gần đây.
Một bước đi tiếp theo, sau khi hàng loạt nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực công nghệ cao, đã dịch chuyển chuỗi cung ứng của mình tới Việt Nam. Nếu như Intel, Samsung, LG có thể coi là thế hệ nhà đầu tư công nghệ cao thứ nhất, thì Goertek, Quanta Computer, Pegatron, Compal chính là thế hệ nhà đầu tư tiếp theo. Và bây giờ, là Runergy, Amkor…
Đầu tháng 5 vừa qua, tỉnh Nam Định đã cấp chứng nhận đầu tư để Quanta Computer xây dựng một nhà máy 120 triệu USD tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận. Quanta chính là đối tác sản xuất MacBook của Apple. Bởi thế, sự xuất hiện của tập đoàn này đồng nghĩa với việc “ông lớn” Apple đang tiếp tục xu hướng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam.
Bắt đầu từ khi Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, Apple đã liên tục kêu gọi và yêu cầu các nhà sản xuất của mình dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc và Việt Nam là một trong những lựa chọn hàng đầu.
Không chỉ lĩnh vực điện tử, khi ngành bán dẫn toàn cầu lâm vào khủng hoảng, cơ hội đã được mở ra cho các trung tâm sản xuất mới nổi, bao gồm Việt Nam. Bên cạnh Intel đang tiếp tục mở rộng đầu tư vào Việt Nam, thì các nhà sản xuất trong lĩnh vực bán dẫn toàn cầu cũng đang tìm đến. Runergy, Amkor là những ví dụ.
Theo dự kiến, nhà máy 1,6 tỷ USD của Amkor tại Bắc Ninh sẽ đi vào hoạt động cuối năm nay. Trong khi đó, Samsung cũng sẽ sớm sản xuất đại trà linh kiện bán dẫn tại Thái Nguyên.
Từ cuối năm ngoái, CNBC đã đánh giá rằng, Việt Nam đang nổi lên là một địa chỉ sản xuất thay thế bên cạnh Trung Quốc đối với các nhà sản xuất chip toàn cầu. Còn Công ty Tư vấn KPMG thì cho biết, số khách hàng đặt câu hỏi về việc mở rộng năng lực sản xuất con chip ở Đông Nam Á đã tăng khoảng 30-40% so với trước đại dịch.
“Các doanh nghiệp đang nhận thấy những lợi ích của việc tách các chuỗi cung ứng thay vì chỉ phụ thuộc vào một chỗ… Các diễn biến địa chính trị gần đây được cho là sẽ thúc đẩy những chiến lược vốn dĩ đã có này”, đại diện KPMG bình luận.
Các thông tin gần đây về việc Mỹ cấm các công ty trong nước đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, như bán dẫn, vi điện tử, công nghệ thông tin lượng tử, trí tuệ nhân tạo… ở Trung Quốc, hay Ủy ban châu Âu (EC) và Anh cũng đang nghiên cứu để đưa ra động thái tương tự… được cho là sẽ mang tới cho Việt Nam những cơ hội lớn, để trở thành trung tâm mới của chuỗi giá trị toàn cầu, không chỉ trong lĩnh vực điện tử, mà còn cả bán dẫn – ngành công nghiệp trọng yếu của cách mạng công nghiệp 4.0.
Không bỏ lỡ cơ hội
“Các công ty đa quốc gia đa dạng hóa chuỗi sản xuất và cung ứng do lo ngại căng thẳng địa chính trị và gián đoạn chuỗi cung ứng. Vì thế, Việt Nam sẽ được ưu tiên trong việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng này. Việt Nam cũng sẽ nhận được các khoản đầu tư nước ngoài trong việc kết nối chuỗi cung ứng, với vị thế là một trung tâm thương mại và sản xuất”, ông Brian Lee Shun Rong, nhà nghiên cứu kinh tế vĩ mô, Ngân hàng đầu tư Maybank, nhận xét.
Điều này là có cơ sở. Dòng vốn đầu tư nước ngoài quả thật vẫn đang dịch chuyển vào Việt Nam. 8 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã thu hút được 18,15 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 8,2% so với cùng kỳ. Tính lũy kế, sau hơn 3 thập kỷ, hơn 453 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đã đăng ký vào Việt Nam. Trong đó, gần 287 tỷ USD đã được thực hiện, đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế đạt được những thành công lớn trong hợp tác đầu tư nước ngoài.
Điểm đặc biệt, trong tổng số hơn 453 tỷ USD vốn đăng ký, riêng đầu tư vào lĩnh vực chế biến, chế tạo đã chiếm hơn 60%, với hơn 272,2 tỷ USD. Dòng vốn đầu tư lớn, cộng với xu hướng dịch chuyển chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, đã và đang biến Việt Nam không chỉ trở thành trung tâm sản xuất, mà còn là trung tâm của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy vậy, có một thực tế là, Trung Quốc vẫn luôn là địa điểm sản xuất và là trung tâm cung ứng không thể thay thế. Trong một báo cáo mới được công bố, các chuyên gia của Savills cho rằng, Trung Quốc hiện vẫn là “công xưởng của thế giới”, chiếm khoảng 30% sản lượng toàn cầu. Quốc gia này sở hữu những lợi thế cạnh tranh nổi bật như hạ tầng tương đối hoàn thiện, trình độ nhân lực cao và có khả năng hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Mặc dù, theo ông Thomas Rooney, Quản lý Cấp cao, Bộ phận Bất động sản Công nghiệp, Savills Hà Nội, khi tìm kiếm những lựa chọn ngoài Trung Quốc để di chuyển các nhà máy sản xuất, Việt Nam nổi lên như một điểm đến lý tưởng với khoảng cách địa lý gần, nhân công có tay nghề với chi phí cạnh tranh và hạ tầng đang được đầu tư mạnh mẽ, nhưng cũng có những thách thức nhất định.
EuroCham, trong báo cáo về Chỉ số niềm tin kinh doanh BCI quý II/2023, cũng đã nhấn mạnh về sự dịch chuyển các hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam đã chậm hơn, có sự khác nhau đáng kể giữa dự định và thực tế.
Khó và không thể so sánh với Trung Quốc. Nhưng để trở thành sự lựa chọn của chiến lược “Trung Quốc +1”, và để trở thành tâm điểm của chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam có lẽ cần chuẩn bị nhiều hơn nữa. Về thể chế, chính sách, đất đai, nguồn nhân lực và cả hạ tầng, bao gồm năng lượng.