SGGPO
Đó là con số vừa được dự án Happy Việt Nam – dự án nâng cao nhận thức của cộng đồng về căn bệnh thấp còi, suy dinh dưỡng (SDD) ở trẻ em công bố tại 7 tỉnh, thành của Việt Nam.
Khám tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao và cân nặng cho trẻ tại huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông |
Dự án do Tổ chức ASSIST – Tổ chức phi chính phủ hoạt động dựa trên mục tiêu phát triển xã hội phối hợp với Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam (VADE), Merck tại Việt Nam, Tổ chức tài chính DEG triển khai tại Việt Nam trong 3 năm (từ 7-2020 đến 7-2023).
Cụ thể, 7 tỉnh thành được triển khai là địa phương có tỷ lệ trẻ mắc bệnh thấp còi, SDD cao tại Việt Nam như: Cao Bằng, Hà Giang, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Hà Nội và TPHCM. Dự án đã khám tầm soát cho hơn 3.600 trẻ và tập huấn cho 1.300 giáo viên tiểu học, mẫu giáo, cho 3.600 phụ huynh học sinh và 200 nhân viên y tế để giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết sâu về các yếu tố nguy cơ để phòng ngừa, đồng thời có thể tầm soát sớm và chữa trị hiệu quả căn bệnh thấp còi, SDD ở trẻ em.
Theo Chiến lược toàn cầu về nuôi dưỡng trẻ nhỏ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sức khỏe, trí tuệ, thể chất của trẻ sẽ có cơ hội phát triển tối đa trong tương lai nếu mẹ biết tận dụng 1.000 ngày đầu đời (từ lúc bắt đầu mang thai cho đến khi trẻ 2 tuổi). Ngược lại, dinh dưỡng không hợp lý trong thời gian này là nguyên nhân chính dẫn đến thấp còi.
Đối với trẻ sơ sinh, SDD thấp còi là một trong những yếu tố nguy cơ làm tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, suy giảm sức khỏe lúc còn nhỏ và khi trưởng thành.
Đối với trẻ nhỏ, SDD làm chậm phát triển nhận thức, khó khăn trong học tập, giảm chất lượng cuộc sống của trẻ và gia đình; chức năng miễn dịch kém lúc nhỏ và khi trưởng thành làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng, hoặc dễ bị nhiễm trùng tái phát khi còn nhỏ và các bệnh như đái tháo đường, ung thư… sau này, trở thành gánh nặng của y tế quốc gia.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến SDD thấp còi như: thiếu ăn về số lượng hoặc chất lượng và mắc các bệnh nhiễm khuẩn; nuôi con bằng sữa mẹ không đúng và cho ăn bổ sung không hợp lý đóng vai trò quan trọng đối với SDD; nhiễm khuẩn dễ đưa đến SDD do rối loạn tiêu hoá, và ngược lại SDD dễ dẫn tới nhiễm khuẩn do đề kháng giảm.
Bên cạnh đó, có thể do sự bất cập trong dịch vụ chăm sóc bà mẹ, trẻ em, các vấn đề nước sạch, vệ sinh môi trường và tình trạng nhà ở không đảm bảo, mất vệ sinh; tình trạng đói nghèo, lạc hậu về các mặt phát triển nói chung bao gồm sự mất bình đẳng về kinh tế…
Theo ASSIST, SDD thấp còi là tình trạng trẻ có chiều cao thấp hơn mức tiêu chuẩn của những trẻ cùng trong một độ tuổi và cùng giới tính. Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chiều cao của trẻ sơ sinh khỏe mạnh khoảng 50cm. Trong 3 tháng đầu, trẻ tăng thêm khoảng 3cm/tháng và tăng 2cm ở các tháng tiếp theo.
Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất của SDD thấp còi chính là tình trạng chậm tăng trưởng chiều cao. Trẻ bị SDD có biểu hiện chậm phát triển thể lực và trí tuệ: trẻ quá thấp, quá gầy so với tuổi, thể lực yếu, học kém. Trẻ có cân nặng theo tuổi thấp thường hay bị bệnh như tiêu chảy và viêm phổi. SDD thấp còi được coi là trở ngại lớn nhất của con người trong quá trình tăng trưởng và phát triển.