Lượng kiều hối về Việt Nam giai đoạn 1993-2022 đạt trên 190 tỷ USD, gần bằng lượng vốn FDI giải ngân.
Theo số liệu đưa ra tại Hội nghị phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương, doanh nghiệp hôm 27/12, cộng đồng người Việt ở nước ngoài hiện khoảng 6 triệu người, tốc độ tăng trưởng khoảng 5% một năm. Kiều bào hiện sinh sống tại hơn 130 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó 80% ở các nước phát triển.
Bộ Ngoại giao cũng ước tính, lực lượng người Việt ra nước ngoài làm việc khoảng 130.000-150.000 người mỗi năm, đóng góp về tài chính, và trở thành nguồn nhân lực cho đất nước. Các doanh nhân Việt ở nước ngoài cũng là lực lượng tích cực trong việc đưa hàng Việt thâm nhập vào thị trường nhiều nước.
Lượng kiều hối gửi về nước tính từ năm 1993 (năm đầu tiên thống kê kiều hối) đến năm 2022 đạt trên 190 tỷ USD, gần bằng nguồn vốn FDI đã giải ngân trong cùng kỳ.
Năm ngoái, lượng kiều hối đạt 19 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2021, đưa Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia trên thế giới về nhận kiều hối. Tại báo cáo “Điểm lại tháng 8/2023”, Ngân hàng Thế giới dự báo kiều hối của Việt Nam năm 2023 đạt 14 tỷ USD và 14,4 tỷ USD trong năm 2024. Còn số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM – địa phương chiếm hơn một nửa lượng kiều hối cả nước, cho biết trong 11 tháng, TP HCM này đã nhận gần 9 tỷ USD kiều hối, tăng 35% so với năm 2022, gần gấp 3 lần vốn FDI.
Thực tế, kiều hối là một trong những nguồn cung góp phần bảo đảm quan hệ cung cầu ngoại tệ, đồng thời hỗ trợ hiệu quả cho chính sách tiền tệ, tỷ giá và thị trường ngoại hối. Điều này lại càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh các đồng tiền mạnh biến động, lạm phát tại một số quốc gia gây áp lực nhất định đến tỷ giá và mối quan hệ tỷ giá – lãi suất và lạm phát.
Theo số liệu chính thức từ Ngân hàng Nhà nước, kiều hối về Việt Nam mỗi năm trên 10 tỷ USD. Còn nếu theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức hợp tác quốc tế về người di cư, trung bình ba năm gần đây Việt Nam nhận lên tới 17-18 tỷ USD kiều hối mỗi năm.
Ngoài ra, tính đến cuối năm 2022, kiều bào từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư 385 dự án FDI tại 42 địa phương ở Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 1,72 tỷ USD, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, tạo việc làm cho lao động ở địa phương và tăng nguồn thu từ thuế cho ngân sách nhà nước.
Đức Minh