Phát biểu tại tập huấn, bà Đinh Thị Thụy- Phó Chánh Văn phòng Uỷ ban Quốc gia về NKT Việt Nam cho biết, Việt Nam hiện có hơn 7 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên. Trong số này, có hơn 1,6 triệu người khuyết tật nặng và rất nặng đã được cấp thẻ BHYT, đạt 100%. Còn với những người khuyết tật nhẹ, tùy theo địa phương, có nơi đã triển khai cấp cho đối tượng này.
Các bệnh viện đa khoa trung ương, tỉnh và huyện đều có khoa phục hồi chức năng, 20 tỉnh, thành phố thành lập được trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và 107 cơ sở giáo dục chuyên biệt cho trẻ em khuyết tật không đến được trường lớp bình thường, đã thống nhất được ngôn ngữ kí hiệu và chữ nổi Brail trong toàn quốc.
Hàng năm, có khoảng 19.000 người khuyết tật được dạy nghề tạo việc làm; giới thiệu việc làm cho khoảng hơn 20.000 lượt người khuyết tật với tỷ lệ thành công đạt trên 50%, khoảng gần 40.000 người khuyết tật được vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm với lãi suất ưu đãi…“Trong những năm qua, nhờ công tác truyền thông được đẩy mạnh nên những phân biệt, đối xử với người khuyết tật đã giảm nhiều. Mặc dù vậy, việc tiếp cận với người khuyết tật với các công trình xây dựng vẫn khó khăn, bên cạnh đó là vấn đề việc làm”, bà Định Thị Thụy cho biết.
Với hoạt động báo chí nói riêng, theo bà Quyên, báo chí góp phần tích cực trong việc tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước về NKT. Báo chí tham gia biểu dương những kinh nghiệm hay, cách làm tốt, gương điển hình của NKT. Không chỉ phản ánh, nêu gương, báo chí còn phát hiện và phê phán những yếu kém, bất cập trong quá trình hòa nhập của NKT. Nhìn chung, báo chí là diễn đàn về các sáng kiến, cơ hội, lộ trình tham gia hòa nhập của NKT, đồng thời giới thiệu các mô hình, phương hướng hỗ trợ NKT hiệu quả, thông qua đó, đóng góp tiếng nói lớn chuyển tải đến cộng đồng thông tin về NKT, giúp cộng đồng có cách nhìn nhận tích cực hơn.