Ngày 28/9, Đoàn liên ngành phòng, chống in lậu Trung ương thuộc Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ phòng, chống in lậu toàn quốc năm 2023 tại TPHCM.
Hội nghị có sự tham dự của ông Nguyễn Thanh Lâm – Thứ trưởng Bộ TT&TT; ông Nguyễn Nguyên – Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành; Đại tá Nguyễn Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ (A03); cùng các đại biểu đến từ các cơ quan, đơn vị liên quan đến hoạt động in, đơn vị phòng, chống in lậu trong cả nước.
Tại hội nghị, ông Phạm Tuấn Vũ – Phó trưởng Đoàn liên ngành Thông tin – trình bày báo cáo tổng kết hoạt động của Đoàn liên ngành 2022, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới.
Theo đó, trong năm 2022, Đoàn liên ngành và các Đội liên ngành, Thanh tra Sở TT&TT địa phương đã tiến hành 1.833 cuộc thanh tra, kiểm tra các cơ sở in, cơ sở phát hành, cơ sở photocopy (tăng 154% so với năm 2021).
Đoàn liên ngành và Đội liên ngành cả nước cũng đã ban hành 76 quyết định xử phạt hành chính với số tiền phạt trên 1,2 tỉ đồng (tăng 53% so với năm 2021), thu hồi, tiêu hủy trên 130.000 ấn phẩm không rõ nguồn gốc.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Lâm – Thứ trưởng Bộ TT&TT – nhận định nhiều doanh nghiệp ngành in Việt Nam đã nỗ lực, vượt qua những thách thức, đạt được một số kết quả đáng khích lệ.
Thứ trưởng Bộ TT&TT cũng đề nghị Đoàn liên ngành phòng, chống in lậu Trung ương rà soát, hoàn thiện thể chế hoạt động theo hướng kết hợp nhiều cơ quan, nhiều đơn vị, phát huy sức mạnh tổng thể, cần tăng cường nguồn lực, vật lực cho các Đội liên ngành tại địa phương, đáp ứng yêu cầu của đấu tranh chống in lậu hiện nay.
“Cơ chế phối hợp cần phải bàn thêm, phải đưa ra những giải pháp cụ thể. Một trong những việc đầu tiên để làm tốt sự phối hợp là chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm qua đường dây nóng, cổng thông tin, các nhóm trao đổi. Trong đó, Đoàn liên ngành Trung ương cần giữ vai trò đầu mối.
Các kế hoạch kiểm tra, giám sát cũng cần làm theo xu thế chung, giảm bớt những kế hoạch giám sát cố định, tăng cường giám sát online đối với những dấu hiệu vi phạm xuất hiện đầu tiên trên không gian mạng”, ông Lâm nói.
Giai đoạn tới, Đoàn liên ngành phòng, chống in lậu Trung ương và các Đội liên ngành phòng, chống in lậu địa phương sẽ phải thực hiện nhiều nhiệm vụ để phát huy kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, đảm bảo công tác phòng, chống in lậu đạt hiệu quả cao.
Trong đó, Đoàn liên ngành, các cơ quan liên quan, Tổ công tác 304 (Tổng cục Quản lý thị trường), Hiệp hội in Việt Nam… cần chủ động xây dựng, sớm hoàn thiện quy chế phối hợp.
Ngoài ra, Đoàn liên ngành phòng, chống in lậu Trung ương và các Đội liên ngành phòng, chống in lậu địa phương cũng cần chú trọng tập trung phối hợp với nhiều lực lượng (Thanh tra Sở TT&TT, Cục Quản lý thị trường địa phương, cơ quan liên quan…) để đẩy mạnh công tác trinh sát địa bàn, nắm tình hình, diễn biến của các cơ sở in.
Từ đó, tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất, tiếp nhận thông tin, phản ánh của người dân và các đơn vị trong ngành về tổ chức, cá nhân có dấu hiệu thực hiện hành vi in lậu, in giả, kinh doanh xuất bản phẩm trái phép, vi phạm bản quyền, kiên quyết xử lý hành vi vi phạm trong hoạt động in, nhất là các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.