Chiều 6-7, Trường ĐH Văn Hiến tổ chức hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Công nghệ xanh và Giáo dục bền vững” tại TP HCM.
Hội thảo quốc tế thu hút hơn 100 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giảng viên, cán bộ, nhân viên đến từ các đơn vị sự nghiệp, các cơ quan, tổ chức như: Trường ĐH Nông Lâm, Trường ĐH Công Nghiệp TP HCM, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TP HCM, Tổng lãnh sự quán Indonesia tại TP HCM, Trường ĐH Western Sydney, Trường ĐH Midwest – Hoa Kỳ, Trung tâm Công nghệ Sinh học TP HCM,.. tham dự.
Phát biểu tại hội thảo, PGS- TS Nguyễn Minh Đức, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến, cho rằng các quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với những thách thức lớn về môi trường. Việc sử dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại chính là chìa khóa vàng để thúc đẩy sự phát triển bền vững và đảm bảo một tương lai tươi sáng hơn cho toàn cầu.
Hội nghị là cơ hội để các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà giáo dục và các nhà lãnh đạo ngành trên toàn thế giới chia sẻ kiến thức và hiểu biết sâu sắc.
Báo cáo tham luận đầu tiên, ông Madan Mohan Sethi, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP HCM, cho biết có 5 lĩnh vực cần quan tâm đến ứng dụng của công nghệ xanh cho phát triển bền vững bao gồm năng lượng tái tạo, giao thông bền vững, hiệu quả năng lượng, quản lý chất thải và nông nghiệp bền vững.
“Tính đến tháng 8-2023, công suất năng lượng tái tạo lắp đặt của Ấn Độ đã đạt trên 130 GW, giúp Ấn Độ trở thành một trong những thị trường năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới. Lĩnh vực năng lượng gió, Ấn Độ cũng đang tăng trưởng nhanh chóng. Chính phủ đã đưa ra các chính sách như sứ mệnh năng lượng mặt trời quốc gia và sứ mệnh năng lượng mặt trời quốc gia Jawaharlal Nehru để thúc đẩy đầu tư vào năng lượng mặt trời” – Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP HCM thông tin.
Ba lĩnh vực được Ấn Độ đặt mục tiêu trong thời gian tới bao gồm: giảm cường độ phát thải của GDP xuống 33–35% vào năm 2030 so với mức năm 2005; đạt được khoảng 40% công suất lắp đặt điện tích lũy từ các nguồn năng lượng không dựa trên nhiên liệu hóa thạch vào năm 2030 với sự trợ giúp của chuyển giao công nghệ và tài chính quốc tế chi phí thấp bao gồm từ Quỹ Khí hậu Xanh (GCF); tạo thêm bể chứa carbon tương đương 2,5 – 3 tỉ tấn CO2 thông qua việc tăng diện tích rừng và cây xanh vào năm 2030.
Chia sẻ về lĩnh giáo dục bền vững, PGS-TS Nguyễn Ngọc Vũ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học TP HCM, cho rằng việc áp dụng AI trong giáo dục ngôn ngữ tại Việt Nam mang lại nhiều cơ hội lớn, nhưng cũng đòi hỏi sự chú ý cẩn thận đến các vấn đề đạo đức. Cần có các biện pháp và quy định rõ ràng để đảm bảo rằng công nghệ được sử dụng một cách có trách nhiệm và mang lại lợi ích tối đa cho học sinh.
Nguồn: https://nld.com.vn/hon-100-chuyen-gia-ban-ve-cong-nghe-xanh-va-giao-duc-ben-vung-196240706150816082.htm