Bắt đầu từ 9 giờ sáng nay 9.6, các thí sinh đã đăng ký tham dự kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập không chuyên và lớp 10 chuyên có mặt tại các điểm thi để làm thủ tục dự thi, đính chính sai sót thông tin đăng ký dự tuyển (nếu có) và nghe phổ biến quy chế thi, lịch thi.
Với việc chọn ra gần 60% số học sinh trong tổng số học sinh tốt nghiệp THCS để tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập, đây là kỳ thi có tính cạnh tranh gay gắt.
Theo ghi nhận của Thanh Niên tại một số điểm thi, thí sinh và phụ huynh có mặt từ rất sớm để làm thủ tục dự thi, nghe phổ biến quy chế thi với đủ sắc thái cảm xúc, tự tin nhưng không tránh khỏi hồi hộp, lo âu.
Vũ Đức Hoàng Long, một thí sinh tại điểm thi Trường THPT Việt Đức (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: “Sáng nay, sợ tắc đường nên em có mặt tại điểm thi từ sớm để tránh bỏ lỡ thông tin quan trọng. Mặc dù cũng khá tự tin khi mình đã chuẩn bị sẵn sàng từ kiến thức, tâm lý nhưng trước một kỳ thi lớn em vẫn cảm thấy khá hồi hộp”.
Trong khi đó, nhiều phụ huynh lại tỏ ra lo lắng đến “mất ăn mất ngủ”. Chị Nguyễn Thuý Hằng, một phụ huynh có con thi vào lớp 10 tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Q.Long Biên, Hà Nội), cho hay chị đã xin nghỉ làm để đưa con đi thi. “Các con lo một thì bố mẹ lo mười. Càng gần ngày thi tôi lại càng lo, mặc dù nhà cách điểm thi không xa nhưng tôi sắp xếp công việc để chở con đi đến nơi, về đến chốn; cũng là để động viên tâm lý thoải mái cho con trong suốt thời gian thi”, chị Hằng tâm sự.
Cùng tâm trạng, một phụ huynh khác, ông Trần Văn Danh, cũng xin nghỉ làm để đưa đón con tới điểm thi. “Một tuần trước khi kỳ thi diễn ra, con gái đã dặn tôi sắp xếp công việc để đưa con đi thi. Dù có chút lo lắng nhưng vẫn phải giữ vững tinh thần để động viên con”, ông Danh nói.
Huy động đông đảo lực lượng coi thi, giám sát
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, thông tin: Hà Nội là địa phương có số lượng thí sinh đăng ký dự thi tuyển sinh lớp 10 lớn nhất cả nước với hơn 116.000 lượt học sinh đăng ký. Hà Nội đã thành lập 201 điểm thi với gần 5.000 phòng thi tại 30 quận, huyện, thị xã để phục vụ thí sinh dự thi.
Toàn thành phố có khoảng 20.000 cán bộ, giáo viên làm công tác coi thi, chấm thi. Ngoài ra, còn có 590 cán bộ giám sát tại các điểm thi và hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ công an thực hiện nhiệm vụ bảo vệ khu vực thi. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, các điểm thi đều tăng cường tối đa các điều kiện chăm sóc sức khỏe cho thí sinh. Ngành điện cam kết bảo đảm không cắt điện tại các điểm thi, 201 điểm thi đều có máy phát điện dự phòng.
Để bảo đảm khách quan, Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu các điểm thi phân công cán bộ coi thi theo nguyên tắc, mỗi phòng thi bố trí 2 cán bộ coi thi ở 2 trường khác nhau; một cán bộ coi thi không coi thi quá một lần tại một phòng thi.
Trong quá trình làm nhiệm vụ, các thành viên của điểm thi phải chấp hành sự phân công, tuân thủ sự điều hành của trưởng điểm thi, thực hiện đúng quy chế thi và hướng dẫn coi thi. Trưởng điểm thi có trách nhiệm phân công cán bộ coi thi và các thành viên làm nhiệm vụ tại điểm thi bảo đảm rõ người, kín việc, đúng và đủ quy trình.
Bên cạnh đó, tại các điểm thi còn có lực lượng cán bộ giám sát công tác coi thi. Toàn thành phố có 590 cán bộ giám sát. Công tác giám sát tại từng điểm thi được thực hiện theo nguyên tắc: dưới 20 phòng thi bố trí 2 cán bộ giám sát; từ 20 phòng thi đến dưới 30 phòng thi có 3 cán bộ giám sát; từ 31 phòng thi đến dưới 40 phòng thi có 4 cán bộ giám sát. Đối với các điểm thi có phòng thi phân tán thì sẽ bổ sung lực lượng cán bộ giám sát.
Kỳ thi sẽ diễn ra vào ngày 10 – 11.6. Sở GD-ĐT Hà Nội chỉ xét tuyển đối với những thí sinh đáp ứng đủ 3 yêu cầu: làm đủ số bài thi quy định (ngữ văn, toán, ngoại ngữ), không vi phạm quy chế thi đến mức hủy kết quả bài thi và không có bài thi nào bị điểm 0. Do vậy, thí sinh cần làm bài trung thực, tuyệt đối không vi phạm quy chế thi.