Filippo Grandi, người đứng đầu cơ quan tị nạn Liên hợp quốc UNHCR, cho biết vào cuối ngày thứ Sáu: “Nhiều người đói, kiệt sức và cần được hỗ trợ ngay lập tức. Sự giúp đỡ quốc tế là rất cần thiết”.
Chính phủ Ý cho biết, Armenia đã yêu cầu Liên minh châu Âu cung cấp nơi ở tạm thời và vật tư y tế để giúp nước này đối phó với người tị nạn. Theo ghi nhận của truyền thông, hàng nghìn người với đồ đạc của họ đang phải chen chúc trong ô tô, xe tải và máy kéo, bị mắc kẹt ở đường cao tốc trên núi dẫn đến Armenia.
Siranush Sargsyan, một nhà báo địa phương, cho biết rằng nhiều người cần được chăm sóc y tế khẩn cấp. “Như bạn có thể thấy, chúng tôi vẫn đang bị mắc kẹt trên đường. Cuộc di cư này thực sự không thể chịu nổi vì chúng tôi đã trải qua 16 giờ trên con đường này… Có vẻ như trong 24 giờ tới chúng tôi vẫn không thể đến được biên giới”.
Sau một cuộc tấn công chớp nhoáng, lực lượng Azerbaijan đã đánh bại quân ly khai và giành quyền kiểm soát toàn bộ Nagorno-Karabakh. Hầu hết trong số 120.000 người Armenia ở Karabakh đã bắt đầu cuộc di cư hàng loạt tới Armenia, nói rằng họ lo sợ bị đàn áp và thanh lọc sắc tộc bất chấp những lời hứa về sự an toàn của Azerbaijan.
Nagorno-Karabakh được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan nhưng dân cư chủ yếu là người Armenia theo đạo Cơ đốc, những người đã thành lập nước Cộng hòa Artsakh tự xưng cách đây ba thập kỷ sau một cuộc xung đột sắc tộc đẫm máu khi Liên Xô tan rã.
Một người tị nạn thề rằng mình rồi cũng sẽ được trở về nhà. Cô nói: “Thế giới không nên tin rằng chúng tôi sẵn sàng rời bỏ Artsakh. Chúng tôi đã chiến đấu đến cùng, bằng xương máu, bằng mạng sống của mình để bảo vệ đất nước mình”.
Azerbaijan cho biết một trong những quân nhân của họ đã thiệt mạng do hỏa lực bắn tỉa của lực lượng Armenia ở vùng biên giới Kalbajar, nhưng Armenia phủ nhận cáo buộc này.
Bùi Huy (theo Reuters)