Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
Năm 2025, trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tuyển sinh theo 6 phương thức xét tuyển, tăng thêm 1 phương thức so với năm 2024. Đây sẽ là năm đầu tiên trường tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng và sử dụng kết quả kỳ thi riêng của nhà trường để xét tuyển đại học.
5 phương thức còn lại gồm: xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả học bạ; xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và TP.HCM, xét tuyển sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của trường Đại học Sư phạm Hà Nội và TP.HCM.
Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội
Đại học Bách khoa Hà Nội vẫn giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh trong năm 2025, gồm: xét tuyển tài năng; xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy (dự kiến chỉ tiêu tăng nhẹ); xét kết quả thi tốt nghiệp THPT (dự kiến giảm chỉ tiêu từ 50% xuống còn 40%).
Trường Đại học Kinh tế quốc dân
Năm 2025, trường Đại học Kinh tế quốc dân dự kiến giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh, gồm: xét tuyển thẳng (2%); xét tuyển kết hợp (83%) và xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT (15%, giảm 3% so với năm 2024). Với phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2025, trường Đại học Kinh tế quốc dân chỉ sử dụng 4 tổ hợp là A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Anh), D01 (Toán, Văn, Anh) và D07 (Toán, Hóa, Anh) thay vì 9 tổ hợp như năm 2024.
Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch
Theo phương án tuyển sinh dự kiến năm 2025 mới được công bố, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch điều chỉnh tăng chỉ tiêu tuyển sinh một số ngành so với năm 2024, gồm Dược học (tăng 30%), Y học cổ truyền (tăng 20%) và Điều dưỡng (tăng 10%). Các ngành còn lại vẫn giữ nguyên chỉ tiêu.
Về phương thức tuyển sinh, nhà trường thực hiện 6 phương thức xét tuyển, bao gồm: sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT; tuyển thẳng theo quy định của quy chế tuyển sinh; sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do đơn vị khác tổ chức để xét tuyển; chỉ sử dụng chứng chỉ quốc tế để xét tuyển; kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với chứng chỉ quốc tế để xét tuyển; sử dụng phương thức khác.
Trường Đại học Kinh tế – Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM)
Từ năm 2025, trường Đại học Kinh tế – Luật không còn xét tuyển bằng tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa) và D07 (Toán, Hóa, tiếng Anh). Trường dùng hai tổ hợp truyền thống là A01 (Toán, Lý, tiếng Anh), D01 (Toán, tiếng Anh, Ngữ văn), bổ sung thêm hai tổ hợp mới gồm Toán, tiếng Anh, Tin học và Toán, tiếng Anh, Giáo dục kinh tế và pháp luật.
Về phương thức tuyển sinh, Đại học Kinh tế – Luật dự kiến sử dụng 3 phương thức chính vào năm 2025, gồm: xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng (tối đa 20% chỉ tiêu), xét điểm thi đánh giá năng lực (tối đa 40-60%) và điểm thi tốt nghiệp THPT (tối đa 30-50%).
Trường Đại học Công Thương TP.HCM
Năm 2025, trường Đại học Công Thương TP.HCM dự kiến xét tuyển theo 3 phương thức: xét học bạ THPT (15 – 20% chỉ tiêu); xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2025 (50-60% chỉ tiêu); xét điểm thi đánh giá năng lực Đại học quốc gia TP.HCM + điểm thi đánh giá năng lực trường Đại Sư phạm TP.HCM (20 – 35% chỉ tiêu).
Đáng chú ý, nhà trường thông báo xét tuyển thêm 5 tổ hợp mới năm 2025, trong đó có 4 tổ hợp khối C, gồm: C00 (Văn, Sử, Địa), C01 (Văn, Toán, Lý), C02 (Văn, Toán, Hóa), C14 (Toán, Văn, Giáo dục Kinh tế và pháp luật), chủ yếu thuộc nhóm ngành Luật, Quản trị kinh doanh, Khách sạn. Đây là lần đầu tiên trường Đại học Công Thương TP.HCM xét tuyển khối C.
Trường Đại học Sư phạm TP.HCM
Trường Đại học Sư phạm TP.HCM dự kiến không dùng điểm học bạ trong các phương thức xét tuyển từ năm 2025. Thay vào đó, trường sử dụng các phương thức xét tuyển: xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT (10% chỉ tiêu); ưu tiên xét tuyển và xét tuyển học sinh lớp chuyên (10-20% chỉ tiêu); xét tuyển dựa trên kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt, dự kiến áp dụng cho khoảng hơn 30 ngành (40-50% chỉ tiêu mỗi ngành).
Với phương thức xét tuyển dựa trên kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, trường dành 20-40% chỉ tiêu cho các ngành có sử dụng phương thức xét tuyển dựa trên kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt hoặc 70- 80% cho các ngành còn lại.
Trường Đại học Bách khoa TP.HCM
Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) xét tuyển kết hợp với nhiều tiêu chí. Trong đó, tiêu chí học lực bao gồm 3 thành phần là: Điểm học tập ở bậc THPT (gồm 6 học kỳ ứng với tổ hợp đăng ký xét tuyển); điểm thi tốt nghiệp THPT (gồm các môn trong tổ hợp xét tuyển); điểm thi đánh giá năng lực. Thành phần học lực của thí sinh được tính dựa vào điểm học tập 3 năm THPT, điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm thi đánh giá năng lực.
Trường Đại học Nha Trang
Năm 2025, trường Đại học Nha Trang không dùng điểm học bạ để xét tuyển mà chỉ làm điều kiện sơ tuyển. Cụ thể nhà trường sẽ xét tuyển theo phương thức kết hợp kết quả học tập THPT và kết quả đánh giá năng lực học tập đại học. Trường tổ chức sơ tuyển (điều kiện cần) thông qua kết quả học bạ theo các môn do trường quy định, sau đó xét tuyển (điều kiện đủ) bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2025 hoặc kết quả kỳ thi đánh giá năng lực.
Với việc sơ tuyển thông qua kết quả học tập THPT, ở mỗi ngành và chuyên ngành đào tạo có một số môn theo quy định của trường. Kết quả học các môn này cần đạt yêu cầu tối thiểu do trường công bố hàng năm.
Trường Đại học Khánh Hòa
Trường Đại học Khánh Hòa thông báo 4 phương thức tuyển sinh năm 2025, gồm: xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025; xét kết quả học tập cấp THPT; xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức năm 2025 và xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT.
Trường Đại học Thái Bình Dương
Năm 2025, trường Đại học Thái Bình Dương dự kiến sử dụng 3 phương thức xét tuyển: dựa vào kết quả học tập cấp THPT; dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo tổ hợp môn tương ứng với ngành xét tuyển và dựa vào điểm xét tốt nghiệp THPT năm 2025.
Nguồn: https://vtcnews.vn/hon-10-truong-dai-hoc-cong-bo-phuong-an-tuyen-sinh-2025-ar906655.html