Hơn 370 đại biểu, đại diện lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể huyện, giáo viên, phụ huynh và học sinh của các xã: Phú Hưng, Tân Hòa, Tân Trung và thị trấn Phú Mỹ đến tham dự. Phiên tòa đồng thời được truyền thanh trực tiếp trên toàn địa bàn huyện.
Đây là hình thức truyền thông mới được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang thực hiện từ tháng 3/2023. Đến nay, phiên toàn giả định đã tổ chức xong ở 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, có tổng cộng 1.870 phụ huynh, học sinh, cán bộ truyền thông trẻ em tham dự.
Phiên tòa giả định xét xử vụ án “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” là vụ án có thật nhằm giáo dục, nâng cao nhận thức và cảnh giác cho phụ huynh trong việc quan tâm, bảo vệ trẻ trước thực trạng bị xâm hại.
Kết thúc phiên tòa, phụ huynh và học sinh tham gia tọa đàm, đặt câu hỏi trao đổi trực tiếp với các lãnh đạo sở, ban ngành tỉnh và huyện Phú Tân xoay quanh những vấn đề về phòng, chống xâm hại trẻ em. Đặc biệt, học sinh được củng cố kiến thức, chú ý những tình tiết quan trọng của vụ án qua trò chơi trắc nghiệm có thưởng.
“Phiên tòa giả định hôm nay đã cung cấp cho em nhiều kiến thức pháp luật, kỹ năng để bảo vệ bản thân. Đồng thời, tuyên truyền cho các gia đình có trẻ nhỏ biết cách phòng, chống xâm hại, bảo vệ trẻ em được an toàn” – em Nguyễn Trần Trâm Anh, học sinh Trường THCS Tân Hòa chia sẻ.
Tính đến cuối tháng 4/2023, toàn tỉnh xảy ra 32 vụ xâm hại tình dục, trong đó có 20 vụ nạn nhân là trẻ em, đặc biệt số trẻ từ 5-6 tuổi chiếm khá lớn. Các ngành đều thống nhất quan điểm, để bảo vệ trẻ em trước nguy cơ xâm hại, giải pháp căn cơ là ngăn ngừa, với trọng tâm là truyền thông, tuyên truyền. Công tác bảo vệ, phòng, chống xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục cần sự vào cuộc, phối hợp của các cấp, các ngành và toàn xã hội.