Ngày 27-5, Trung đoàn Cảnh sát cơ động thủ đô (Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an) tổ chức lễ bế giảng khóa huấn luyện công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân năm 2024.
Hơn 1.000 chiến sĩ mới “rắn rỏi, bản lĩnh” hơn sau khóa huấn luyện
Năm 2024, Trung đoàn Cảnh sát cơ động thủ đô được lãnh đạo Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động giao nhiệm vụ tiếp nhận quản lý và tổ chức huấn luyện đối với 1.117 chiến sĩ mới thuộc công an 6 địa phương, gồm Cao Bằng 155 chiến sĩ, Bắc Kạn 140 chiến sĩ, Phú Thọ 192 chiến sĩ, Nam Định 100 chiến sĩ, Sơn La 360 chiến sĩ, Hòa Bình 170 chiến sĩ.
Trên thao trường nắng gió oi bức, tiếng hô đồng thanh “Công an nhân dân tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, vì nước quên thân, vì dân phục vụ” của hơn 1.000 chiến sĩ vang vọng một vùng trời.
Các chiến sĩ nghiêm túc, cùng nhau biểu diễn màn diễu binh, võ thuật Công an nhân dân với những động tác, đường quyền dứt khoát, đều tăm tắp. Trên khuôn mặt rám nắng, những giọt mồ hôi lăn dài, ướt đẫm quân phục những người lính trẻ.
Sau 3 tháng được Trung đoàn Cảnh sát cơ động thủ đô huấn luyện nghiêm khắc, bài bản, những tân binh mới nhập ngũ ngày nào giờ đã trở thành những người chiến sĩ công an nghĩa vụ rắn rỏi, bản lĩnh.
Chiến sĩ Trần Công Tiến Đạt (quê tỉnh Nam Định) cho biết từ khi bước chân vào Trung đoàn Cảnh sát cơ động thủ đô, anh đã học được rất nhiều điều bổ ích như ý thức kỷ luật, tác phong quân ngũ.
“Nhờ sự quan tâm, rèn luyện nghiêm khắc, tận tình của các cán bộ huấn luyện, tôi đã có sức khỏe bền bỉ, dẻo dai, tinh thần ý chí quyết tâm cao”, chiến sĩ Đạt khẳng định.
Khát khao làm công an chính quy của những chàng lính mới
Trong trang phục váy áo người Mông, bà Vàng Y Mai (59 tuổi, ở bản Lóng Luông, Vân Hồ, tỉnh Sơn La) cùng 5 người thân trong gia đình xúng xính vượt quãng đường gần 200km từ Sơn La xuống Trung đoàn Cảnh sát cơ động thủ đô (Sóc Sơn, Hà Nội) xem, động viên cháu trai là Giàng A Mạnh Khang (20 tuổi) diễu binh, biểu diễn trong ngày hoàn thành khóa huấn luyện.
“Cháu phải thật tập trung, tự tin, bản lĩnh để biểu diễn thật tốt. 3 tháng huấn luyện, hôm nay là ngày để cháu cùng đồng đội thể hiện sức mạnh lực lượng”, bà Mai dặn dò cháu trai trước lúc lễ bế giảng khóa huấn luyện diễn ra.
Từ nhỏ, Giàng A Mạnh Khang thần tượng ông nội và cha đẻ – đều công tác trong lực lượng Công an tỉnh Sơn La. Khang say mê bộ quân phục màu xanh của cha và ông nội. Mỗi lần đội “trộm” chiếc mũ công an của cha, Khang tưởng tượng hình ảnh tương lai sẽ trở thành chiến sĩ công an.
Để thực hiện ước mơ, sau khi tốt nghiệp một trường trung cấp, Khang đã quyết tâm đi nghĩa vụ công an.
“Tôi mong hết thời gian nghĩa vụ có thể trở thành chiến sĩ công an chuyên nghiệp, phục vụ cho ngành cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy như cha tôi đang làm”, Giàng A Mạnh Khang nói.
Các chiến sĩ mới tham gia diễu binh trong lễ bế giảng khóa huấn luyện nghĩa vụ công an – Ảnh: NAM TRẦN
Cùng chung ước mơ làm công an, Hoàng Hoài Sơn (24 tuổi, quê Bắc Kạn) sinh ra trong một gia đình có hai anh em, bố mẹ làm nông nghiệp. Thời THPT, anh dự thi vào Học viện Cảnh sát nhân dân, nhưng thiếu ít điểm nên chưa thể thực hiện ước mơ.
Sơn sau đó học Đại học Luật Hà Nội, tốt nghiệp đi làm ở văn phòng luật một năm với mức lương hơn 10 triệu đồng. Tuy nhiên, ước mơ làm công an vẫn nung nấu, nên anh quyết định gác lại công việc, xin đi nghĩa vụ công an.
“Mục tiêu trước tiên của tôi là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, phụng sự Tổ quốc. Tiếp đó, tôi sẽ cố gắng hết mình để đạt được ước mơ làm công an chính quy”, Sơn nói.
Anh cho hay qua 3 tháng huấn luyện tân binh, anh đã được trau dồi nhiều kiến thức, kỹ năng. Đây là tiền đề để anh phấn đấu ở lại ngành công an.
Sau khóa huấn luyện, các chiến sĩ mới trở nên rắn rỏi, sức khỏe dẻo dai, bản lĩnh hơn – Ảnh: NAM TRẦN
Những màn biểu diễn võ thuật “mãn nhãn” của các chiến sĩ mới – Ảnh: NAM TRẦN
Nguồn: https://tuoitre.vn/hon-1-000-chien-si-cong-an-bieu-dien-vo-thuat-dieu-binh-trong-le-be-giang-khoa-huan-luyen-20240527160404319.htm