Mở đầu phiên làm việc tuần thứ 3 kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội (KTXH) năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2025.
14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch
Hôm nay (4/11), ngoài thảo luận về phát triển KTXH; Quốc hội còn bàn thảo về tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại CP Ngoại thương Việt Nam (VCB).
Trước đó, ngày 21/10, trình bày báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược gay gắt, xung đột leo thang ở nhiều khu vực.
Cùng với đó, giá xăng dầu, cước vận tải biến động mạnh, kinh tế thương mại phục hồi chậm, thiếu vững chắc, tổng đầu tư toàn cầu sụt giảm, thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng diễn biến phức tạp.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết, ở trong nước, chúng ta vừa phản ứng linh hoạt, hiệu quả trước những biến động bên ngoài; vừa phải khắc phục những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm và phải dành nhiều thời gian, nguồn lực giải quyết những vấn đề đột xuất, phát sinh, nhất là ứng phó, khắc phục thiên tai gây hậu quả nặng nề và còn kéo dài tại nhiều địa phương.
Năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng đã bám sát tình hình thực tiễn, tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, ưu tiên tăng trưởng, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…), gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Chính phủ cũng đã tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược, nhất là về thể chế ; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; cắt giảm thủ tục hành chính, xóa bỏ cơ chế “xin – cho”; lập các ban chỉ đạo, tổ công tác để kịp thời tháo gỡ những “điểm nghẽn”, khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Đồng thời, phát động nhiều phong trào thi đua, trong đó có phong trào “500 ngày đêm hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc” và “cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025”.
Nhờ đó, 9 tháng năm 2024, tăng trưởng GDP cả nước đạt 6,82%; ước cả năm đạt 6,8 – 7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao (6 – 6,5%), thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, được nhiều tổ chức quốc tế lớn, có uy tín đánh giá cao.
Đến hết năm 2025 xếp hạng 31 – 33 thế giới về quy mô GDP
Về kế hoạch phát triển KTXH năm 2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, quán triệt và thực hiện nghiêm các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong đó chú trọng 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 12 nhóm giải pháp chủ yếu.
Trong đó, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh việc đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách nghĩ, cách làm với tinh thần: “Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý. Cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm. Cái gì mới mà hay thì phải làm”.
Cạnh đó là phân tích kỹ lưỡng, đánh giá sát tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021 – 2025, từ đó có các giải pháp đột phá trên tinh thần “chỉ tiêu nào chưa đạt thì phải đạt, chỉ tiêu đạt rồi, thì phải nâng cao chất lượng, hiệu quả”, phấn đấu cao nhất hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Đồng thời giữ đà, giữ nhịp và tăng tốc, bứt phá; bám sát thực tiễn, kịp thời ứng phó với những vấn đề phát sinh trên tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung”, “đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả”, “Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi”.
Lãnh đạo Chính phủ cho biết, phát triển KTXH, bảo vệ môi trường là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đẩy mạnh đối ngoại là trọng yếu, thường xuyên.
Các chỉ tiêu chủ yếu gồm: Tăng trưởng GDP khoảng 6,5 – 7% và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn (7 – 7,5%) để đến hết năm 2025 xếp hạng 31 – 33 thế giới về quy mô GDP; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%;
Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5,3 – 5,4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 29 – 29,5%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm khoảng 0,8 – 1%.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/hom-nay-quoc-hoi-ban-thao-ve-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-192241103202326924.htm