Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và một số thành viên Chính phủ sẽ trả lời chất vấn các vấn đề thuộc lĩnh vực ngoại giao, chiều 18/3.
Nội dung chất vấn gồm công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài; tình trạng vi phạm pháp luật của công dân Việt Nam ở nước ngoài và của người nước ngoài tại Việt Nam; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam; công tác quản lý, sắp xếp, kiện toàn, nâng cao trình độ, năng lực tổ chức bộ máy ngành ngoại giao; giải pháp tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động ngoại giao.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng sẽ trả lời về thực trạng triển khai thỏa thuận song phương, đa phương và giải pháp thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư; hỗ trợ mở rộng thị trường hàng hóa xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tránh bị lừa đảo; hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam với thế giới và việc miễn thị thực nhập cảnh cho công dân các nước vào Việt Nam để phát triển du lịch.
Trong báo cáo gửi Thường vụ Quốc hội trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết từ sau Đại hội Đảng 13, Bộ Ngoại giao đã chủ trì, phối hợp tổ chức, phục vụ hơn 100 hoạt động đối ngoại song phương và đa phương của lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Các hoạt động đối ngoại, đặc biệt là đối ngoại cấp cao đã làm sâu sắc quan hệ, gia tăng đan xen lợi ích, củng cố môi trường đối ngoại hòa bình, ổn định. Quan hệ ngoại giao thuận lợi mở nhiều cơ hội mới thu hút các nguồn lực phục vụ phát triển đất nước nhanh, bền vững.
Hàng trăm cam kết, thỏa thuận hợp tác quốc tế được ký kết, nhiều thỏa thuận có giá trị lớn, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tuy nhiên, việc thực thi một số thỏa thuận, cam kết có hiệu quả chưa cao, tiến độ còn chậm, chưa khai thác tối đa hiệu quả, lợi ích trong hợp tác.
Bộ trưởng Ngoại giao cho biết Bộ đã tăng cường theo dõi tình hình điều chỉnh chính sách, pháp luật của các nước để thông tin với các bộ, ngành, cảnh báo sớm việc các nước áp dụng chính sách thương mại mới, áp đặt biện pháp phòng vệ và rủi ro về tranh chấp, lừa đảo, gian lận thương mại quốc tế.
Những hoạt động nói trên đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, thương mại của Việt Nam trong những năm qua. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam cao hàng đầu thế giới trong hơn 30 năm qua, bình quân gần 18%/năm.
Từ năm 2016 đến nay, Việt Nam liên tục xuất siêu, trong đó năm 2023 xuất siêu gần 30 tỷ USD với gần 50 mặt hàng, đạt kim ngạch xuất khẩu trên một tỷ USD, tới gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hàng Việt Nam có chỗ đứng khá vững chắc tại các thị trường Mỹ, Nhật Bản, EU.