Khi nhắc đến chiến trường xưa, CCB Bùi Như Tẩn (khu 5, phường Hồng Hà, TP Hạ Long) lại dâng trào cảm xúc nhớ về những kỷ niệm thời trai trẻ hào hùng cống hiến tuổi xuân bảo vệ Tổ quốc.
Những ngày Tháng Tư lịch sử này, chúng tôi có dịp trò chuyện với CCB Bùi Như Tẩn tại nhà riêng để nghe ông kể lại những kỷ niệm khó quên về “thời hoa lửa” khốc liệt nhưng đầy tự hào. “Tôi nhập ngũ năm 1968 khi tròn 18 tuổi. Sau huấn luyện 1 năm, tôi được điều động vào Nam chiến đấu, biên chế Tiểu đoàn 494, Trung đoàn 2, Sư đoàn 320, mặt trận Quảng – Đà. Ngay khi điều động vào chiến trường năm 1969, đơn vị tôi đã đọ sức với quân Mỹ và chư hầu. Địa bàn chúng tôi hoạt động tập trung chủ yếu tại các huyện Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc… là những nơi địch triển khai lực lượng lớn quân với hỏa lực mạnh, tổ chức càn quét nhằm tiêu diệt lực lượng cách mạng của ta…”.
Một trong những trận đánh mà ông Tẩn nhớ nhất là cuối năm 1969, Mỹ huy động xe tăng, máy bay, pháo binh chia nhiều mũi tổ chức càn quét tại địa bàn huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam). Đơn vị ông được bố trí đánh địch tại xã Xuyên Nghĩa. Sau khi pháo kích, địch dùng xe tăng và quân càn quét nhằm tìm diệt bộ đội ta. Tại các khu vực bố trí công sự kiên cố, chờ địch vào gần, các mũi quân ta đồng loạt nổ súng tiêu diệt từng tốp địch. Ông Tẩn trực tiếp tiêu diệt hàng chục tên Mỹ. Trong trận đánh này, ông bị thương, được nhận danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ.
Ngoài trận đánh tiêu biểu trên, ông Tẩn còn trực tiếp tham gia nhiều trận đánh với quân Mỹ để đè bẹp ý đồ tìm diệt, xóa bỏ lực lượng cách mạng trong quần chúng nhân dân của địch. Cuối năm 1969, ông Tẩn được cấp trên điều động hoạt động bí mật trong nội thành TP Đà Nẵng. “Giai đoạn này, Mỹ và quân chư hầu các nước đóng ở khu vực Đà Nẵng rất đông, xây dựng nhiều kho tàng, bến bãi, hệ thống phòng ngự án ngữ các trục đường giao thông rất mạnh. Khi quân ta tiến công mà không nắm được các vị trí phòng thủ và nắm được điểm yếu của địch thì sẽ khó thực hiện nhiệm vụ, phải trả giá sự bằng sự hy sinh xương máu bộ đội” – CCB Bùi Như Tẩn kể.
Sau khi chuyển sang hoạt động bí mật trong nội thành Đà Nẵng, ông Tẩn được bố trí ở cơ sở mật của ta tại quận Liên Chiểu. Tại đây ông cải trang thành người dân đi làm thuê để theo dõi thu thập thông tin, thăm dò tình hình của địch, trinh sát các khu vực quân sự, cách bố phòng của địch để cung cấp cho quân ta. CCB Bùi Như Tẩn kể: “Lúc đó vào giữa năm 1970, bộ đội ta nhiều lần tấn công Đồn Thành (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) giáp ranh với Đà Nẵng. Đồn này do một trung đội địch đồn trú nằm trên gò cát cao, trước mặt là sông và ruộng, bộ đội ta nhiều lần đánh Đồn này nhưng không được. Do vậy cấp trên giao nhiệm vụ cho tôi nắm vị trí hỏa lực, những điểm mạnh, yếu của địch tại Đồn để lên phương án tiêu diệt”.
Sau bàn tính, ông cùng đồng đội cải trang thành nông dân tiến gần quan sát, đánh giá. Với trí nhớ tốt, ông đã cung cấp thông tin chuẩn xác cho bộ đội ta tấn công tiêu diệt Đồn Thành, phá bỏ ách kìm kẹp tạo vùng trắng của địch trên địa bàn.
Năm 1972, do cơ sở mật của ta trong TP Đà Nẵng bị lộ, ông Tẩn đã bí mật rút ra ngoài an toàn. Ông trở về đơn vị cũ làm nhiệm vụ đánh địch với chức vụ đại đội trưởng đại đội chủ công, trực tiếp tham gia nhiều trận đánh ác liệt. Năm 1974 trong một trận đánh địch càn quét tại xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, ông bị thương. Sau khi điều trị, sức khỏe không đảm bảo chiến đấu, ông được chuyển ra Bắc.
Đất nước thống nhất năm 1975, ông Tẩn được điều động về công tác tại Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình; tỉnh Hà Tây (cũ). Năm 1977, ông được điều động làm Tiểu đoàn phó, kiêm Trưởng Ban trinh sát Sư đoàn 328 (Đặc khu Quảng Ninh); tháng 5/1979 ông làm Tiểu đoàn trưởng trinh sát (Đặc khu Quảng Ninh). Sau đó ông được cử đi học và điều động về Phòng Quân báo (Đặc khu Quảng Ninh) đến năm 1988 thì nghỉ hưu với quân hàm thiếu tá, hưởng chế độ thương binh hạng 4/4.
Trở về cuộc sống đời thường, CCB Bùi Như Tẩn luôn giữ vững phẩm chất người lính Cụ Hồ, người đảng viên gương mẫu, có phong cách sống giản dị hòa đồng với người dân, khu phố.