Các đội thi trải chiếu ngồi thi gói bánh chưng ngay tại khu vực sân trung tâm Đền Hùng. Khác với những năm trước, hội thi năm nay, các huyện, thành, thị sẽ không cử đội đã 3 năm liên tiếp đạt giải Nhất tham gia thi, điều này cũng góp phần tạo nên sự mới mẻ, hấp dẫn và tinh thần khí thế cho các đội thi với quyết tâm giành được giải cao dâng lễ vật lên Vua Hùng.
Được biết, các nghệ nhân sẽ tranh tài ở nội dung gói 5kg gạo nếp, 1kg đỗ xanh, 1kg thịt lợn… thành 10 chiếc bánh chưng vuông trong thời gian tối đa 10 phút, luộc bánh trong 5 giờ đồng hồ. Bên cạnh đó các nghệ nhân thi giã bánh giầy phải thổi 5kg gạo nếp thành xôi trong thời gian tối đa 30 phút, giã và bắt thành 10 chiếc bánh giầy trong thời gian tối đa 15 phút.
Hội thi nhằm tái hiện cuộc thi làm các lễ vật dâng cúng tổ tiên có từ thời Hùng Vương dựng nước, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, khơi dậy niềm tự hào về lịch sử và sự sáng tạo trong lao động, thể hiện lòng hiếu kính với tổ tiên, cha mẹ, thể hiện ý thức và tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái “lá lành đùm lá rách” của cộng đồng dân tộc, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị độc đáo của di sản văn hóa thời Hùng Vương và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ.
Đặc biệt, việc tổ chức Hội thi đã góp phần tôn vinh những sản phẩm chế biến từ hạt gạo, thể hiện lòng thành kính tri ân công đức các vua Hùng và cũng là dịp để các đoàn nghệ nhân và đồng bào các dân tộc trong tỉnh giao lưu, gắn kết cộng đồng…
Bánh chưng, bánh giầy – hai loại bánh tượng trưng cho “trời tròn, đất vuông”, được gắn với câu chuyện huyền sử về lòng hiếu thảo của Hoàng tử Lang Liêu thời Hùng Vương thứ 6. Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, bánh chưng, bánh giầy vẫn được dân tộc Việt Nam gìn giữ vẹn nguyên về hình dáng, hương vị dâng lên thờ cúng tổ tiên.