Khích lệ nghệ nhân bảo tồn văn hóa truyền thống
Để có thể đem đến Hội thi những tiết mục diễn xướng đạt chất lượng cao nhất, các nghệ sĩ đã say mê tập luyện cho Hội thi từ nhiều ngày qua.
Chị Đào Thị Cẩm Lai, thành viên của đoàn An Giang cho biết, thời gian qua, đoàn đã tích cực luyện tập và có mặt tại Quảng Ngãi từ ngày 31/7. Đến với Hội thi, đoàn An Giang sẽ có 4 tiết mục thể hiện nét văn hóa độc đáo của 4 dân tộc anh em: Kinh, Chăm, Hoa, Khmer.
“Chúng tôi sẽ trình diễn, giới thiệu về những nét đẹp văn hóa của cộng đồng người dân tộc Chăm Islam với lễ cưới truyền thống được tổ chức trong 3 ngày”, chị Lai chia sẻ.
Anh Phạm Văn Thống đến từ đoàn Thanh Hóa cho biết: “Thanh Hóa có 7 dân tộc anh em: Kinh, Mường, Thái, Mông, Thổ, Dao và Khơ Mú cùng đoàn kết, sinh sống đan xen nhau đã tạo nên sự đa dạng, phong phú về văn hóa. Đến với hội thi, chúng tôi mong muốn giới thiệu và lan tỏa những giá trị đặc sắc của văn hóa địa phương đến với bạn bè trong và ngoài nước”.
Anh Phạm Văn Thống cũng chia sẻ niềm vui khi được tham gia Hội thi. Theo anh, Hội thi là dịp để các nghệ nhân hiểu hơn về diễn xướng dân gian của dân tộc mình cũng như các dân tộc anh em, từ đó thêm tình yêu đối với di sản và trách nhiệm trong bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị của các di sản diễn xướng dân gian.
Là chủ nhà, đoàn Quảng Ngãi huy động gần 60 nghệ nhân, diễn viên tham gia Hội thi. Đoàn sẽ trình diễn các nội dung gồm: Rước biểu tượng vật thiêng tại lễ khai mạc; trình diễn nghi lễ truyền thống, đó là trích đoạn Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa và các nội dung thi diễn gồm thi trình diễn trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Cor. Cùng với đó, biểu diễn các tiết mục dân ca, dân vũ. Riêng phần thi ẩm thực, Quảng Ngãi trình bày mâm cơm truyền thống của đồng bào dân tộc Cor…
Nghệ nhân Lê Hổ ở huyện Lý Sơn cùng một số nghệ nhân và 20 diễn viên tập luyện phần trình diễn trích đoạn Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa trong nhiều ngày vừa qua. “Được tham gia làm thuyền câu, thổi ốc u, tái hiện lại Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tại Hội thi này, tôi rất vinh dự và tự hào. Chúng tôi thường xuyên vào đất liền để tập luyện mong muốn đem đến Hội thi phần trình diễn tốt nhất, giúp cho đồng bào cả nước nói chung và các nghệ nhân, bạn bè tham gia Hội thi nói riêng hiểu về văn hóa Quảng Ngãi, hiểu về Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa”, nghệ nhân Lê Hổ chia sẻ.
Dù đã nhiều lần tham gia các chương trình về diễn xướng dân gian, nhưng với ông Dagout Brice Liêm (Đoàn Lâm Đồng) lần đến Quảng Ngãi này vẫn mang đến nhiều cảm xúc. Ông bày tỏ: “Mặc dù được tham gia vài lần các chương trình về diễn xướng dân gian nhưng mỗi chương trình mang một cảm xúc tuyệt vời. Nơi đó chúng tôi được gặp gỡ những người bạn, có người bạn quen, có người bạn mới. Và đặc biệt hơn tôi được học hỏi những tiết mục của các đoàn mang đến cho hội thi diễn xướng dân gian.
Lần này đoàn Lâm Đồng tham dự với giai điệu chính về cồng chiêng được diễn tấu rất đặc biệt với 6 nghệ nhân để nói lên niềm vui mừng, hân hoan khi đến với lễ hội”.
Giới thiệu hình ảnh văn hóa, con người Quảng Ngãi
Là chủ nhà của Hội thi diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc lần này, Quảng Ngãi cũng tự hào là địa phương giàu bản sắc văn hóa và nhiều loại hình diễn xướng dân gian được gìn giữ, phát triển.
Bà Huỳnh Thị Sương, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Quảng Ngãi tự hào là địa phương có nhiều loại hình diễn xướng dân gian được gìn giữ và phát triển. Ở miền biển và đồng bằng có Nghệ thuật Bài chòi (được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại), nghệ thuật diễn xướng dân gian khác như dân ca, hát ru, bả trạo, hô thai, dân ca kịch… Miền núi tỉnh Quảng Ngãi có nghệ thuật diễn xướng dân gian như hát ta lêu, ca chôi… của đồng bào Hrê; hát xà ru, a giới, a lát… của đồng bào Cor; hát ta lêu, ra nghế, dê ô dê… của đồng bào Ca dong. Với kho tàng, truyền thống văn hóa nghệ thuật đa dạng, mang đậm bản sắc, các dân tộc tỉnh Quảng Ngãi đã góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Bà Huỳnh Thị Sương hy vọng, trong thời gian ở tại Quảng Ngãi, các đại biểu, văn nghệ sĩ, diễn viên sẽ có những kỷ niệm đẹp trên quê hương núi Ấn – sông Trà.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Quảng Ngãi Cao Văn Chư, người dân miền biển ở Quảng Ngãi trong quá trình lao động sản xuất, đánh bắt hải sản đã sáng tạo ra những giá trị văn hóa tinh thần với các loại hình diễn xướng dân gian mang bản sắc đặc trưng, được lưu truyền qua nhiều thế hệ như dân ca bài chòi, bả trạo, sắc bùa, hát hò, hát hố…
“Diễn xướng dân gian là một bộ phận của di sản văn hóa. Văn hóa diễn xướng mang đậm nét đặc trưng riêng có của mỗi dân tộc đã và đang được gìn giữ, trao truyền, tạo nên nét văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Thông qua hội thi diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc sẽ khơi dậy ý thức cộng đồng các dân tộc trong việc thực hành, bảo tồn các nghi lễ, văn hóa truyền thống. Qua đó, quảng bá, giới thiệu hình ảnh văn hóa, con người Quảng Ngãi đến với du khách trong và ngoài tỉnh”, ông Cao Văn Chư nhấn mạnh.
Diễn ra đến hết ngày 4/8, Hội thi diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc nhằm giới thiệu, quảng bá giá trị di sản văn hóa phi vật thể, phong tục tập quán, lễ hội truyền thống, dân ca, dân vũ, trang phục, ẩm thực của các dân tộc trên toàn quốc; đồng thời khẳng định niềm tin của đồng bào các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đây cũng là dịp để các nghệ nhân, nghệ sĩ hội tụ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, sưu tầm, phát hiện, tìm tòi, sáng tạo trong lao động nghệ thuật, góp phần giữ gìn và tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc./.
Nguồn: https://toquoc.vn/hoi-thi-dien-xuong-dan-gian-van-hoa-cac-dan-toc-khich-le-cong-tac-bao-ton-phat-huy-cac-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-20240802171100143.htm