SGGPO
Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM vừa thông báo tổ chức Hội thi “Công dân thành phố với hành trình văn hóa TPHCM” năm 2023. Hội thi nhằm tìm ra những giải pháp, hiến kế nhằm đưa các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ đến gần với người dân.
Một chương trình nghệ thuật trước Nhà hát Thành phố, TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG |
Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về xây dựng, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc; các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XI về “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh”, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức Hội thi “Công dân thành phố với hành trình văn hóa TPHCM” năm 2023.
Hội thi nhằm tạo môi trường giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, giới thiệu những cách làm hay của các cấp ủy, cơ quan, đơn vị trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ; giúp cán bộ, đảng viên, nhân dân thành phố hiểu rõ hơn về vị trí vai trò quan trọng của văn hóa, nghệ thuật; tìm hiểu, giới thiệu các thiết chế văn hóa trên địa bàn thành phố; hiến kế nhằm đưa các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ đến gần với nhân dân.
Nội dung hội thi gồm có: tìm hiểu tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa, văn nghệ; các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản của Trung ương Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới; 80 năm ra đời Đề cương Văn hóa Việt Nam; kết luận của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Trung ương Đảng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc và các nội dung lãnh đạo của Đảng bộ thành phố trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ.
Bên cạnh đó, là những nội dung kiến thức chung về lịch sử văn hóa của vùng đất Sài Gòn – Gia Định – TPHCM; thành tựu phát triển về văn hóa thành phố sau 37 năm đổi mới; chiến lược phát triển văn hóa thành phố đến năm 2030; các thiết chế văn hóa, di tích lịch sử văn hóa, các địa điểm văn hóa nổi bật của thành phố và các địa phương trực thuộc thành phố; các loại hình nghệ thuật truyền thống, nghệ thuật đương đại nổi bật trên địa bàn thành phố…
Đối tượng tham gia hội thi gồm Ban Tuyên giáo Thành ủy Thủ Đức và ban tuyên giáo các quận ủy, huyện ủy; Ban Tuyên giáo Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM và các tổ chức chính trị – xã hội thành phố; ban tuyên giáo đảng ủy cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy; các hội chuyên ngành văn học, nghệ thuật thành phố; các bảo tàng, đơn vị nghệ thuật công lập và ngoài công lập trên địa bàn thành phố.
Hội thi được phát động theo 2 hình thức: Hội thi cấp cơ sở, Hội thi cấp thành phố.
Các đơn vị tùy tình hình thực tế, căn cứ kế hoạch và thể lệ hội thi cấp thành phố tổ chức phát động hội thi tại địa phương, đơn vị. Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM gửi bộ đề thi kiến thức đến các đơn vị để có cơ sở tham khảo và tổ chức hội thi cấp cơ sở hoàn thành trước ngày 15-7, gửi báo cáo kết quả về Ban Tuyên giáo Thành ủy trước 20-7.
Hội thi cấp thành phố gồm vòng loại, vòng chung kết. Sau vòng loại, ban tổ chức chọn 12 đội thi đến từ 12 đơn vị có tổng số điểm cao nhất tham gia vòng chung kết dự kiến diễn ra vào tháng 9. Các đội tham gia 2 phần thi: Sáng tạo nghệ thuật (bài hát, múa, hò, vè, ca cổ…); Giới thiệu sản phẩm tuyên truyền (thuyết trình dựa trên clip, sản phẩm infographic).
CƠ CẤU GIẢI THƯỞNG:
– 1 giải nhất (giấy khen, 20 triệu đồng)
– 2 giải nhì (giấy khen, 15 triệu đồng)
– 2 giải ba (giấy khen, 10 triệu đồng)
– 7 giải khuyến khích (giấy khen, 5 triệu đồng).
– 1 giải clip xuất sắc nhất (giấy khen, 3 triệu đồng)
– 1 giải Tiết mục sáng tạo nghệ thuật ấn tượng nhất (giấy khen, 3 triệu đồng)
– 1 giải đơn vị tổ chức Hội thi cấp cơ sở xuất sắc nhất (giấy khen, 3 triệu đồng)