VHO – Sáng ngày 29.11, tại Khu Đền tháp Mỹ Sơn, Viện Khoa học xã hội vùng Trung bộ phối hợp với UBND huyện Duy Xuyên , tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo Khoa học “Khu đền tháp Mỹ Sơn và các Di sản Văn hóa Thế giới ở miền Trung: Trữ lượng và viễn cảnh”.
Đây cũng là một sự kiện trọng tâm diễn ra trong khuôn khổ chuỗi các hoạt động kỷ niệm 25 năm ngày Khu Đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới (DSVHTG).
Hội thảo là diễn đàn trao đổi học thuật, chia sẻ quan điểm và ý kiến của các nhà khoa học, các vị lãnh đạo, nhà nghiên cứu, đại diện các cơ quan, ban ngành, viện nghiên cứu.
Góp phần xây dựng cơ sở khoa học và đánh giá thực trạng, tiềm năng, từ đó đề xuất các giải pháp về mặt pháp lý, xây dựng kế hoạch dài hạn trong bảo vệ khai thác và phát huy giá trị của Khu đền tháp Mỹ Sơn và các DSVHTG ở miền Trung.
Theo TS. Hoàng Hồng Hiệp, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Trung bộ, với Khu đền tháp Mỹ Sơn, 25 năm qua, hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị DSVH Mỹ Sơn đã đạt được những thành tựu quý giá, hội nhập vào xu hướng bảo vệ di sản của thế giới, đặc biệt là thực thi Công ước UNESCO 2003.
Quá trình này thúc đẩy mở rộng hợp tác giữa Mỹ Sơn và các tổ chức quốc tế, nâng tầm giá trị DSVH Mỹ Sơn trở thành mẫu hình di sản của khu vực và tài sản văn hóa, lịch sử, kiến trúc quý báu của nhân loại.
Hội thảo cũng đặt ra những vấn đề gợi mở, thảo luận, đóng góp thiết thực cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị các DSVHTG ở miền Trung nói chung và Khu Đền tháp Mỹ Sơn nói riêng.
Một số ý kiến tại hội thảo cũng nhấn mạnh về giá trị, tầm quan trọng của DSVHTG Khu phố cổ Hội An. Chia sẻ những bước phát triển ấn tượng của Hội An trong du lịch, việc kết nối hiệu quả giữa DSVHTG Khu phố cổ Hội An với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An, không gian văn hóa các làng quê, làng nghề truyền thống, khu sinh thái ven sông,… trong phát triển du lịch.
Nhiều ý kiến đã nêu bật nhiều quan điểm khoa học về tiềm năng, giá trị của Khu Đền tháp Mỹ Sơn và các DSVHTG ở miền Trung.
Các di sản không chỉ là bản sắc văn hóa của một số cộng đồng cư dân nhất định hoặc phản ánh sắc thái vùng miền mà còn đại diện cho truyền thống văn hóa và lịch sử của các dân tộc trong tính thống nhất và đa dạng ở miền Trung, là nguồn lực quan trọng trong phát triển du lịch bền vững và các biện pháp, xu hướng mới cập nhật về bảo vệ di sản hiện nay.
Nguồn: https://baovanhoa.vn/van-hoa/hoi-thao-ve-khu-den-thap-my-son-va-cac-di-san-van-hoa-the-gioi-mien-trung-113398.html