Sáng 19/7, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức hội thảo tư vấn, phản biện “Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Cao Bằng lớp 11”. Tham dự có các thành viên Hội đồng tư vấn, phản biện “Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Cao Bằng lớp 11”; lãnh đạo một số sở, ban, ngành và chuyên gia các hội đồng tư vấn phản biện.
Dự thảo “Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Cao Bằng lớp 11” do Sở Giáo dục và Đào tạo soạn thảo, được thiết kế theo các lĩnh vực văn hóa, lịch sử truyền thống, địa lý, kinh tế, hướng nghiệp của địa phương với các chủ đề: Nhân vật lịch sử tiêu biểu ở Cao Bằng từ đầu thế kỷ XX đến nay; Một số lễ, Tết ở Cao Bằng; sự thành lập và vai trò của Đảng bộ tỉnh Cao Bằng trong thời kỳ 1930 – 1945; truyện ngắn hiện đại Cao Bằng; phát triển kinh tế nông nghiệp ở Cao Bằng; tìm hiểu hoạt động khởi nghiệp ở Cao Bằng; phòng, chống dịch bệnh ở người và vật nuôi ở Cao Bằng.
Tài liệu được xây dựng khoa học, tỉ mỉ, công phu; nội dung dễ nhớ, phù hợp với tâm sinh lý, khả năng nhận thức của học sinh lớp 11. Căn cứ xây dựng tài liệu phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật khung chương trình giáo dục địa phương cấp THPT tỉnh Cao Bằng được cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Tuy nhiên, kết cấu bài viết trong dự thảo chưa cân đối, cần bổ sung hoặc lược bỏ một số nội dung cho phù hợp với tình hình thực trạng địa phương. Một số đặc điểm địa phương có ý nghĩa quan trọng chưa được đề cập; một số nội dung được diễn đạt, đánh giá chưa khoa học; một số hình ảnh nhân vật quá nhỏ, học sinh khó nhận diện, hình ảnh minh họa chưa điển hình.
Tại hội thảo, các đại biểu trình bày tham luận và phát biểu thảo luận góp ý về: Chủ đề “Nhân vật lịch sử tiêu biểu ở Cao Bằng từ đầu thế kỷ XX đến nay”, nên lựa chọn thêm một số nhân vật tiêu biểu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc từ sau năm 1954 đến nay; về nhân vật lịch sử, cần phân bổ hài hòa nguồn tư liệu để tránh gây khó khăn trong việc kiểm tra quá trình học tập, tìm hiểu của học sinh. Chủ đề “Một số lễ, Tết ở Cao Bằng”, ngoài 2 dân tộc Tày, Nùng cần bổ sung các lễ, Tết của các dân tộc khác. Về “Truyện ngắn hiện đại Cao Bằng”, tiểu dẫn về tập thể văn xuôi không đảm bảo tính cân đối, hài hòa về tư liệu, cần giới thiệu thêm một số tác phẩm tiêu biểu của các nhà văn Cao Bằng để học sinh tìm đọc.
Chủ đề “Sự thành lập và vai trò của Đảng bộ tỉnh Cao Bằng trong thời kỳ 1930 – 1945”, bổ sung thêm ý nghĩa của sự thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Cao Bằng (sau này phát triển thành Đảng bộ tỉnh) đối với việc lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng ở Cao Bằng. Về lĩnh vực lâm nghiệp, cần có thêm thông tin về dược liệu hiện có trên địa bàn tỉnh; định hướng phát triển mô hình nông nghiệp cần bổ sung các thông tin đối với ngành lâm nghiệp về mô hình nuôi trồng dược liệu và trồng rừng thâm canh; bổ sung thêm thông tin về một số cây ăn quả có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh như hạt dẻ, lê. Về phòng, chống dịch bệnh ở người và vật nuôi, cần chuẩn xác đối với một số nội dung trong từng mục cũng như hình ảnh để minh họa và chú thích hình ảnh…
Sau hội thảo, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh sẽ tổng hợp các ý kiến phản biện, chọn lọc, thống nhất đưa ra ý kiến để ban biên soạn xem xét và tiếp thu. Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ rà soát, nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện cuốn tài liệu đảm bảo chính xác, phục vụ hiệu quả công tác giáo dục ở địa phương.
Dạ Đăng