(CLO) Trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm 2024, chiều ngày 12/11, tại Hà Nội, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Truyền thống từ góc nhìn kiến trúc đương đại”.
Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, TS. Kiến trúc sư Nguyễn Quốc Tuân (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) cho biết, sự kiện hôm nay diễn ra với 3 phần chính gồm: Bảo tồn các giá trị kiến trúc truyền thống (nhận diện, khảo cứu, khảo sát, chọn lọc các giá trị, công trình tiêu biểu qua các thời kỳ); Khai thác, phát huy giá trị kiến trúc truyền thống trong kiến trúc Việt Nam đương đại; Đổi mới trong phát triển kiến trúc Việt Nam.
Hệ giá trị truyền thống Việt Nam vô cùng phong phú, đặc sắc. Việc nghiên cứu, nhận diện, đánh giá, bảo tồn các giá trị kiến trúc truyền thống Việt Nam là yêu cầu cấp thiết. Công việc này vừa là trách nhiệm vừa là nghĩa vụ của chúng ta, để không ngừng duy trì, củng cố, phát huy bản sắc dân tộc trong phát triển đô thị và kiến trúc.
“Đất nước ta không có các di tích kiến trúc đồ sộ, nhưng lại có nhiều di tích phong phú đa dạng về loại hình, thể hiện truyền thống, bản sắc văn hóa của các dân tộc Việt Nam. Di tích kiến trúc là những bằng chứng vật chất và tinh thần về truyền thống lịch sử, văn hóa, phản ánh đời sống, cách ứng xử của con người với thiên nhiên, với xã hội”, TS. Kiến trúc sư Nguyễn Quốc Tuân nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, kiến trúc truyền thống là sản phẩm văn hóa vật chất biểu hiện rõ nét các yếu tố được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, được tạo dựng theo tập quán, kinh nghiệm nhiều đời theo cách kế thừa biện chứng. Việc tiếp nối nghiên cứu, từ nhận diện, đánh giá, bảo tồn các giá trị kiến trúc truyền thống Việt Nam, tới phát huy những giá trị ấy trong phát triển kiến trúc Việt Nam đương đại, đặt trong bối cảnh phát triển – hội nhập là hết sức cần thiết.
Đánh giá tổng quan về kiến trúc cổ truyền Việt Nam, ThS. Kiến trúc sư Nguyễn Thị Hương Mai (Viện Bảo tồn di tích) cho rằng, Việt Nam là quốc gia đa dân tộc và cũng đa dạng về vùng miền, môi trường tự nhiên. Quá trình hình thành và phát triển kiến trúc cổ truyền Việt Nam gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của ông cha ta. Đó là một giai đoạn lịch sử dài hàng nghìn năm đấu tranh, chống chọi với thiên nhiên và giặc ngoại xâm để tồn tại và xây dựng, gìn giữ bản sắc văn hóa, văn minh của dân tộc.
Trên thực tế, kiến trúc cổ truyền ở Việt Nam rất phong phú, đa dạng về loại hình, từ kiến trúc cung đình, kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng đến các công trình kiến trúc công cộng, dân gian truyền thống nhưng không có sự khác biệt nhiều về kết cấu.
“Hình thành và phát triển trong một thời gian dài, gắn với các triều đại phong kiến ở Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX, kiến trúc cổ truyền Việt Nam tương đối ổn định về hình thái, cấu trúc, phương thức tạo dựng và hình thức biểu hiện. Từ đó, tạo nên những đặc điểm, sắc thái riêng tương ứng với các vùng miền, các loại hình từ kiến trúc cung đình, kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng đến các công trình kiến trúc công cộng, dân gian truyền thống. Những đặc điểm và sắc thái của kiến trúc cổ truyền đã được hình thành trên cơ sở nền văn hóa dân tộc và chính những đặc điểm, sắc thái ấy lại góp phần tạo lập bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam”, KTS Nguyễn Thị Hương Mai nói thêm.
Theo KTS Hương Mai, việc bảo tồn di sản kiến trúc không thể hiểu theo nghĩa cứng là “đóng hộp” – bảo tàng hóa để bảo vệ nguyên trạng như với di tích. Trong thực tiễn trùng tu di tích cũng có những lúc phải phát lộ (bớt đi), tái định vị (bố trí lại) hay bổ khuyết, phục dựng (thêm vào). Cần khoanh vùng kiểm soát để bảo vệ di sản, nhưng không phải là tuyệt đối cấm phát triển, mà chỉ hạn chế, kiểm soát, chọn lọc và điều tiết kịch bản phát triển phù hợp.
Các chuyên gia cũng cho rằng, việc lựa chọn những phương pháp và công cụ thích bảo tồn, phát huy giá trị nhóm các di sản kiến trúc là hết sức cần thiết, đặc biệt là đối với các di sản kiến trúc nằm trong cấu trúc đô thị hiện đại, ở giai đoạn phát triển đô thị và kinh tế – xã hội. Vì vậy, cần có những nghiên cứu, đánh giá cụ thể để lựa chọn giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị các di sản kiến trúc hiệu quả, phù hợp thực tiễn…
Xuyên suốt hội thảo, các chuyên gia, kiến trúc sư cùng trình bày tham luận để đưa ra những dữ liệu quan trọng về tính truyền thống trong kiến trúc Việt Nam qua các thời kỳ; các giá trị và đặc trưng; kinh nghiệm khai thác giá trị truyền thống trong kiến trúc đương đại và gợi mở những hướng đi trong tương lai… nhằm tiếp tục khai thác và phát triển các giá trị văn hóa và kiến trúc bản địa trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
Nguồn: https://www.congluan.vn/bao-ton-phat-huy-gia-tri-kien-truc-truyen-thong-viet-nam-trong-thoi-dai-moi-post321082.html