Chiều ngày 3/4, tại Thái Nguyên, Đại học (ĐH) Thái Nguyên phối hợp với ĐH Huế và ĐH Đà Nẵng tổ chức Hội thảo quốc gia “30 năm đại học vùng – Thực tiễn và triển vọng”.
Hội thảo quốc gia “30 năm đại học vùng – Thực tiễn và triển vọng”. |
Đến dự Hội thảo có các đồng chí: PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT); TS Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; đồng chí Đặng Xuân Trường, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Nguyên và lãnh đạo một số tỉnh, thành phố; lãnh đạo một số đơn vị thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ GD&ĐT; lãnh đạo ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng, ĐH Thái Nguyên và các trường thành viên…
PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT; GS.TS Phạm Hồng Quang, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng ĐH Thái Nguyên; PGS.TS Hoàng Văn Hùng, Giám đốc ĐH Thái Nguyên; PGS.TS Lê Anh Phương, Giám đốc ĐH Huế; TS Phan Minh Đức, Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng ĐH Đà Nẵng đồng chủ trì Hội thảo.
Các đại biểu dự Hội thảo. |
Các đại học vùng khẳng định vai trò, vị trí trong chiến lược phát triển giáo dục
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS Phạm Hồng Quang, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng ĐH Thái Nguyên nhấn mạnh: Việc xây dựng và phát triển mô hình cơ sở giáo dục đại học vùng đa ngành, đa lĩnh vực là xu thế vận động chung của giáo dục đại học thế giới nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về đào tạo nhân lực trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động hiện đại.
Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, ĐH Thái Nguyên, ĐH Huế và ĐH Đà Nẵng đã khẳng định vai trò, vị trí trong chiến lược phát triển giáo dục, trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ lớn, đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế – xã hội địa phương, vùng và cả nước. ĐH Thái Nguyên đã xây dựng được một cơ cấu tổ chức tương đối phù hợp, có khả năng tập trung nguồn lực chung hướng tới “cùng thống nhất thực hiện mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ chung” với 07 trường đại học thành viên và 01 trường cao đẳng, các đơn vị thuộc và trực thuộc, các trung tâm, viện đào tạo và nghiên cứu phục vụ đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ; thực hiện tốt “nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước”, góp phần phát triển kinh tế – xã hội vùng trung du và miền núi Bắc Bộ và cả nước…
GS.TS Phạm Hồng Quang, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng ĐH Thái Nguyên phát biểu khai mạc Hội thảo. |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn đại học vùng còn nhiều bất cập trong quá trình triển khai thực hiện và định hướng phát triển cho tương lai. Các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đại học chưa đồng bộ, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn về tự chủ đại học theo mô hình quản lý 2 cấp của đại học vùng; gây khó khăn khi áp dụng, triển khai thực hiện trong bối cảnh tự chủ, tự chịu trách nhiệm và giải trình.
Bên cạnh đó, việc thu hút, tuyển dụng, giữ chân người tài, cán bộ, giảng viên giỏi hiện gặp rất nhiều khó khăn do một số bất cập trong cơ chế, chính sách đãi ngộ và sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các cơ sở đào tạo; chưa có chính sách thúc đẩy, khuyến khích doanh nghiệp gắn kết với các đại học trong hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo… Vì vậy, đòi hỏi cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, thách thức đặt ra.
Ưu tiên đầu tư nguồn lực cho đại học vùng phát triển
Tại Hội thảo, các ý kiến đã tập trung làm rõ các kết quả đạt được qua 30 năm xây dựng và phát triển của 3 đại học vùng; đồng thời chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, triển vọng trong quá trình thực hiện. Trên cơ sở đó, kiến nghị nhiều giải pháp liên quan đến các vấn đề: Hoàn thiện cơ chế tài chính, đổi mới quản trị và tự chủ đại học; tự chủ học thuật; thu hút nhân tài…, nhằm xây dựng đại học vùng thực sự là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Đề cập đến những khó khăn trong công tác tài chính, TS Mai Anh Khoa, Phó Trưởng Ban Phụ trách Ban Khoa học Công nghệ và Đối ngoại ĐH Thái Nguyên cho biết, quy định về tự chủ tài chính của đại học vùng hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể nên một số lĩnh vực chồng chéo với các quy định về đại học vùng và các cơ sở giáo dục đại học thành viên.
Từ những phân tích trên, TS Mai Anh Khoa kiến nghị: Đại học vùng cần có quyền tự chủ ở mức độ cao so với các đại học “hai cấp” khác, cụ thể như xây dựng đề án và thực hiện các phương thức tuyển sinh riêng; quyết định mở các ngành, chuyên ngành đào tạo mới; triển khai các mô hình đào tạo mới, đặc thù, hoặc đã được triển khai, áp dụng thành công tại cơ sở giáo dục đại học uy tín ở nước ngoài.
“Cần ưu tiên đầu tư nguồn lực cho đại học vùng phát triển, để các đại học vùng thực sự là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nhằm thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước”, TS Mai Anh Khoa nói.
PGS.TS Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế phát biểu tại Hội thảo. |
Đồng quan điểm, PGS.TS Lê Anh Phương – Giám đốc ĐH Huế kiến nghị, đối với Quốc hội ban hành Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công, Luật Tài sản công, Luật Cán bộ, công chức, viên chức nhằm tạo sự đồng bộ về cơ sở pháp lý để thực hiện cơ chế tự chủ đại học.
Đối với Chính phủ, chủ trì phê duyệt Đề án và quyết định thành lập ĐH Quốc gia Huế trên cơ sở ĐH Huế theo tinh thần Nghị quyết 54, Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 83 của Chính phủ.
“Cần có cơ chế, chính sách đầu tư đối với ĐH Huế nói riêng, các đại học vùng nói chung để xứng tầm với chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật”, PGS.TS. Lê Anh Phương kiến nghị.
TS Phan Minh Đức, Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng ĐH Đà Nẵng phát biểu tại Hội thảo. |
Để phát huy tiềm năng, thế mạnh, vượt qua thách thức, khó khăn, lãnh đạo ĐH Đà Nẵng cho biết, trong thời gian tới sẽ tập trung hoàn thiện quy hoạch hệ thống, phát triển đội ngũ trình độ cao; nâng cao năng lực và vai trò trung tâm trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đi cùng với đó là đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, hợp tác với các địa phương, doanh nghiệp; mở rộng hợp tác quốc tế, đầu tư cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại; hoàn thiện cơ chế tài chính, đổi mới quản trị và tự chủ đại học.
“Để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, cần nỗ lực lớn, quyết tâm cao để phát triển ĐH Đà Nẵng thành ĐH Quốc gia. Đây là nhiệm vụ trung tâm, cấp thiết, có ý nghĩa chiến lược lâu dài, bền vững…”, lãnh đạo ĐH Đà Nẵng nhấn mạnh.
PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD& ĐT phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo. |
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, PGS.TS Hoàng Minh Sơn – Thứ trưởng Bộ GD& ĐT nhấn mạnh: ĐH Thái Nguyên, ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng qua 30 năm phát triển đã trở thành những đại học lớn nhất của cả nước. Sự lớn mạnh này không chỉ ở quy mô đào tạo, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và sự đóng góp cho các địa phương, các vùng. Các đại học vùng đã trở thành đại học đa lĩnh vực, đóng vai trò nòng cốt trong mạng lưới cơ sở giáo dục đại học tại từng vùng kinh tế-xã hội, giúp mở rộng cơ hội học tập chất lượng cao đối với người dân, đồng thời đóng góp vào đào tạo nhân lực, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế – xã hội ở các địa phương.
Đối với sự phát triển của đại học vùng trong thời gian tới, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn kỳ vọng các đại học vùng sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, đóng góp tốt hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ
Trước mắt, các đại học vùng cần nghiên cứu cải tiến, đổi mới cơ cấu, tổ chức hoạt động để phát huy vai trò của các trường thành viên và phát huy sức mạnh tổng thể của đại học trong một khối liên kết hữu cơ, liên kết ngành và liên kết giữa các trường trong khu vực.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục nghiên cứu trong thẩm quyền để sửa đổi chính sách, phối hợp với các bộ ngành đề xuất với Chính phủ để làm sao trao cho các đại học vùng điều kiện và cơ hội để thực hiện sứ mạng đặt ra…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Nguyên Đặng Xuân Trường trao Bằng khen của UBND tỉnh Thái Nguyên cho 4 cá nhân có thành tích xuất sắc. |
Nhân dịp này, ĐH Thái Nguyên vinh dự đón nhận Bằng khen của 12 tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ. UBND tỉnh Thái Nguyên tặng Bằng khen cho 4 cá nhân có thành tích trong đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực và nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2023.
ĐH Huế, ĐH Thái Nguyên và ĐH Đà Nẵng là 3 đại học vùng được thành lập theo Nghị định số 30/CP, 31/CP và 32/CP ngày 4/4/1994 của Chính phủ trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại các trường đại học trên địa bàn thành phố Huế, thành phố Đà Nẵng và thành phố Thái Nguyên. Sau 30 năm xây dựng và phát triển, cơ cấu tổ chức của 3 đại học vùng không ngừng hoàn thiện và phát triển theo hướng đại học đa ngành, đa lĩnh vực, có nhiều loại hình đào tạo và cấp học khác nhau; là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ lớn của vùng và cả nước. |
Tin, ảnh: Vy Anh – Cổng TTĐT Đảng Cộng sản Việt Nam