Ngày 26/11, tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát triển thương mại điện tử trong kỷ nguyên số”.
Hội thảo “Phát triển thương mại điện tử trong kỷ nguyên số”
Ngày 26/11/2024, tại Hội trường Khu du lịch Mỹ Trà, TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, Sở Công Thương và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát triển thương mại điện tử trong kỷ nguyên số”.
Đến dự và chủ trì Hội thảo có đại diện lãnh đạo Sở Công Thương và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, cùng sự tham dự của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành viên Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh, đại diện lãnh đạo các sở, ngành trong tỉnh; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phòng Kinh tế, Kinh tế & Hạ tầng các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh; các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hội quán trên địa bàn tỉnh; các sàn thương mại điện tử, công ty giải pháp công nghệ ứng dụng thương mại điện tử; đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, hội ngành hàng trên địa bàn tỉnh.
Hội thảo “Phát triển thương mại điện tử trong kỷ nguyên số” năm 2024. Ảnh: Trần Thắng |
Thương mại điện tử đã và đang là một xu hướng toàn cầu, là lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Theo Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam – EBI 2024 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) thực hiện, trong bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam gặp nhiều khó khăn, lĩnh vực thương mại điện tử nước ta tiếp tục phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trên 25% và đạt quy mô trên 25 tỷ USD. Do đó, dư địa để khai thác môi trường kinh doanh này vẫn còn rất lớn. Hội thảo nhằm cung cấp những thông tin cập nhật mới về các công nghệ, xu hướng mới trong lĩnh vực thương mại điện tử, từ đó giúp các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, hợp tác xã nắm bắt cơ hội và đưa ra các quyết định kinh doanh hiệu quả. Tạo điều kiện để các đơn vị sản xuất, kinh doanh kết nối với các đối tác, nhà cung cấp dịch vụ, các nền tảng thương mại điện tử lớn để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa qua nền tảng số.
Hội thảo diễn ra với những nội dung trọng tâm: Đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam chia sẻ giúp các đại biểu có cái nhìn tổng quan về tình hình phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2024-2025 và cập nhật những xu hướng thương mại điện tử trong thời gian tới, A.I Automation – A.I Worker sẽ thay đổi kỷ nguyên thương mại điện tử như thế nào, cũng như nội dung có liên quan đến thuế cho hộ kinh doanh và doanh nghiệp trên môi trường thương mại điện tử; đại diện Công ty Cổ phần công nghệ Haravan chia sẻ về phương pháp bán hàng trên Facebook livestream và Video ngắn Reels hiệu quả 2025, để có thể hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở, hợp tác xã kinh doanh sản phẩm của tỉnh có thêm các kiến thức, kỹ năng khai thác hiệu quả hoạt động kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử nói chung và nền tảng Facebook nói riêng.
Ngay sau đó diễn ra phiên tọa đàm “Doanh nghiệp thương mại điện tử hội nhập trong kỷ nguyên số” với sự dẫn dắt của đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cùng các diễn giả đại diện Công ty Cổ phần Công nghệ Haravan, sàn thương mại điện tử Shopee, Tiktok Shop, Viettel Post, Đại diện – OSB, doanh nghiệp Tú Trinh Food (tỉnh Đồng Tháp).
Kết quả Hội thảo “Phát triển thương mại điện tử trong kỷ nguyên số” đã mang đến cho các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, cơ sở, hợp tác xã, tổ hợp tác nhiều thông tin bổ ích về phát triển thương mại điện tử.
Hội nghị “Kết nối cung – cầu nông sản” qua sàn thương mại điện tử năm 2024. Ảnh: Trần Thắng |
Kết nối cung cầu qua sàn thương mại điện tử
Chiều ngày 26/11/2024, tại khu TP. Cao Lãnh, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh Đồng Tháp và Sở Công Thương phối hợp với Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh, Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam tổ chức Hội nghị “Kết nối cung – cầu nông sản” qua sàn thương mại điện tử năm 2024.
Đồng Tháp là tỉnh nông nghiệp, với nhiều sản vật nổi tiếng được người tiêu dùng yêu thích. Những năm qua, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ngành công nghiệp Tỉnh đã tạo bước chuyển mình cho địa phương, làm đa dạng các mặt hàng nông sản, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng ngày càng nhiều hơn các tiêu chuẩn của thị trường nội địa và xuất khẩu. Hiểu rõ tiềm năng và trân trọng những giá trị của tài nguyên bản địa, Đồng Tháp luôn nỗ lực nâng tầm sản vật địa phương đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở, hợp tác xã tiếp cận nhiều phương thức kinh doanh hiện đại để đưa sản phẩm của Tỉnh vươn xa.
Tại hội nghị, đại diện sàn thương mại điện tử Shopee và sàn thương mại điện tử Tiktok hướng dẫn doanh nghiệp kết nối với các sàn thương mại điện tử tại phiên kết nối trực tiếp giữa doanh nghiệp Đồng Tháp với các sàn thương mại điện tử, thực hiện đăng ký thành công sàn thương mại điện tử Shopee, Tiktok và vận hành gian hàng trên sàn thương mại điện tử và hướng dẫn kỹ thuật livestream.
Thông qua buổi gặp gỡ, tăng cường tuyên truyền, phổ biến Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tạo không gian gặp gỡ, kết nối, trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp với Hội quán, hợp tác xã và cơ sở khởi nghiệp trong Tỉnh, tạo cầu nối cho các doanh nghiệp tiếp cận các mặt hàng nông thôn, từng bước xây dựng mạng lưới kênh phân phối mở rộng thị trường, tạo uy tín với người tiêu dùng về sản phẩm Việt; đồng thời giúp các doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa và nhà sản xuất thông hiểu nhau nhiều hơn, nhất là biết rõ vai trò, trách nhiệm của mỗi bên để có định hướng sản xuất và liên kết tiêu thụ nông sản bền vững hơn trong giai đoạn mới; bảo đảm đầu ra ổn định cho các hợp tác xã, cơ sở khởi nghiệp và hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP.
Chương trình Hội nghị “Kết nối cung – cầu nông sản” qua sàn thương mại điện tử đã mang đến cho các doanh nghiệp, cơ sở, hợp tác xã sản xuất (trong đó có các chủ thể sản phẩm OCOP) trên địa bàn tỉnh, có thêm phương thức kinh doanh trên sàn thương mại điện tử nhiều kiến thức, kỹ năng và cơ hội kinh doanh các sản phẩm nông sản theo phương thức hiện đại (đăng ký và vận hành gian hàng trên sàn thương mại điện tử), hiệu quả hơn, góp phần đa dạng hóa phương thức tiêu thụ sản phẩm, mở ra thị trường mới, gia tăng cơ hội tiếp cận khách hàng và nâng cao hiệu quả kinh tế cho sản phẩm của tỉnh.
Nguồn: https://congthuong.vn/hoi-thao-phat-trien-thuong-mai-dien-tu-trong-ky-nguyen-so-nam-2024-360998.html