Hội thảo khoa học xây dựng, khôi phục Đền thờ Đức Thánh Trần tại TP. Điện Biên Phủ

Việt NamViệt Nam17/02/2025


Ngày 16/2, tại TP. Hà Nội, tỉnh Điện Biên phối hợp với Hội Di sản văn hóa Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Xây dựng, khôi phục Đền thờ Đức Thánh Trần tại TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên”.

Đến dự có các đồng chí: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Mùa A Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lò Văn Phương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh...

Ngoài ra, tham dự Hội thảo còn có các đại biểu, khách mời, nhà khoa học: Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Nhà giáo nhân dân Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hoá Việt Nam...

Trong những thảo luận ban đầu tại Hội thảo khoa học lần thứ nhất do UBND tỉnh tổ chức tại TP. Điện Biên Phủ, quan điểm xây dựng mới Đền thờ Đức Thánh Trần dần thay thế quan điểm phục dựng ban đầu. Hội thảo lần thứ hai được tổ chức để tiếp tục thảo luận sâu vào một số vấn đề: Xác minh và khẳng định tính xác thực của các tấm ảnh về Đền thờ Đức Thánh Trần trên đồi A1, khả năng tìm kiếm thêm tư liệu liên quan; bàn luận thấu đáo về sự cần thiết của việc xây dựng Đền thờ Đức Thánh Trần; xem xét Đền thờ Đức Thánh Trần trong không gian Quy hoạch Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, lựa chọn vị trí xây dựng; phác thảo về kết nối Đền thờ các liệt sĩ hi sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ với Đền thờ Đức Thánh Trần và các điểm di tích phụ cận.

Về kết quả tìm kiếm, thu thập thông tin, tư liệu, tài liệu liên quan đến Đền thờ Đức Thánh Trần, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thu thập được 6 bức ảnh, 4 cuốn tư liệu, một số tài liệu có thông tin liên quan đến Đền thờ Đức thánh Trần tại di tích Đồi A1. Ngoài ra đã thu thập được 50 tập tư liệu (gồm: 13 tập Hán Nôm, 37 tập tiếng Pháp) liên quan đến Điện Biên Phủ từ năm 1942 trở về trước đang được dịch thuật sang ngôn ngữ Tiếng Việt, hiện đang lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia 1 Hà Nội.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về tín ngưỡng thần linh và tín ngưỡng Đức Thánh Trần; giải pháp, định hướng bảo tồn, tu bổ, phục hồi di tích Chiến trường Điện Biên Phủ trong thời gian tới; đặc biệt đề xuất phương án kiến trúc và bài trí thờ tự trong Đền thờ Đức Thánh Trần tại Điện Biên... 

Cùng với đó, các đại biểu đã đề xuất và nhất trí với phương án xây dựng Đền thờ Đức Thánh Trần tại di tích Đồi Cháy. Đây là ngọn đồi thấp hơn Đồi A1, cách Đồi A1 theo đường chim bay, tính từ tâm sang khoảng 200m và có thể nằm trong khu vực Đồi Lạng Chượng (tên gọi trước đây của Đồi A1). Dự kiến khu đất xây dựng Đền thờ là khu đất thoáng đãng, rộng rãi, cảnh quan thiên nhiên đẹp, đảm bảo các yếu tố tổ hợp các hạng mục công trình trên tổng mặt bằng một cách hài hòa, hợp lý, không làm ảnh hưởng đến các yếu tố gốc của di tích. Việc xây dựng Đền Trần tại di tích Đồi Cháy sẽ tạo nên một trục liên hoàn bao gồm: Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ, Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia A1 tạo thành nơi tập trung sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh, tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ và các bậc tiền nhân có công lao trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thuận lợi cho nhân dân, du khách khi đến tham quan, tưởng nhớ.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị gắn việc nghiên cứu xây dựng, phục dựng Đền thờ Đức Thánh Trần với quy hoạch di tích Chiến trường Điện Biên Phủ; trong đó, có nội dung đề xuất xây dựng Đền Trần tại Đồi Cháy để báo cáo cơ quan quản lý có thẩm quyền làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện. Đồng thời, xây dựng công trình tín ngưỡng Đền thờ Đức thánh Trần từ nguồn lực xã hội hóa ở mức cao nhất, huy động sự đóng góp vật chất, nguyên vật liệu, kinh phí của các tổ chức, cá nhân. 

Về kiến trúc, cần khôi phục ở mức cao nhất kiến trúc cổng Đền theo ảnh tư liệu để lại. Tuy nhiên, quy mô kích thước cổng đền nghiên cứu xây dựng phù hợp điều kiện thực tế hiện nay. Tuân thủ nguyên tắc kiểu dáng kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc tâm linh truyền thống của các ngôi Đền thờ Đức Thánh Trần hiện có ở các địa phương; đồng thời, kết hợp hài hòa nghệ thuật điêu khắc truyền thống của các nhóm cộng đồng cư dân địa phương - là đối tượng thụ hưởng, là đồng chủ thể của công trình.

Về cảnh quan, Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Cường đề nghị bảo tồn, phát triển ở mức cao nhất hệ cây xanh hiện có trên Đồi Cháy. Xây dựng không gian văn hóa tại Đền Trần phù hợp với cảnh quan sinh thái xung quanh, với truyền thống văn hóa, truyền thống lịch sử tộc người, quan niệm thẩm mỹ, tập tục thờ cúng của không gian văn hóa Tây Bắc - Điện Biên.


Nguồn

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available