Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương phát biểu tại hội thảo.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cùng các đồng chí: Hoàng Trung Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh; Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Trần Thế Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh chủ trì hội thảo.
Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo: Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Ban Tuyên giáo Trung ương; Ban Tổ chức Trung ương; Ban Dân vận Trung ương; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các ban, ngành Trung ương, địa phương; lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh và các ban, sở, ngành trực thuộc; đại biểu, các nhà khoa học và thân nhân, gia tộc đồng chí Trần Phú.
Hội thảo là hoạt động thiết thực nhằm ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng cao đẹp, vẻ vang của đồng chí Trần Phú-Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam và quê hương Hà Tĩnh, đã phấn đấu, hy sinh trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; đồng thời, bày tỏ sự tri ân sâu sắc của các thế hệ hôm nay đối với những cống hiến của đồng chí Trần Phú cho thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, góp phần giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng cho các cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Toàn cảnh hội thảo khoa học “Tổng Bí thư Trần Phú-Chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam”.
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vẻ vang và những cống hiến hết sức to lớn của đồng chí Trần Phú là di sản quý báu, dệt kết nên pho sử vàng vinh quang của Đảng. Tấm gương đạo đức cách mạng, khí phách người chiến sĩ cộng sản cao đẹp, kiên trung, bất khuất của đồng chí mãi tỏa sáng, để lớp lớp thế hệ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân ta học tập, noi theo.
50 bản báo cáo, tham luận của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan, ban, ngành Trung ương, địa phương, của tỉnh Hà Tĩnh và các nhà khoa học dự hội thảo đã tập trung làm sáng tỏ các nội dung chính: Đồng chí Trần Phú từ người thanh niên yêu nước trở thành người cộng sản, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc; Đồng chí Trần Phú-Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng; Đồng chí Trần Phú-Người cộng sản kiên trung, bất khuất; Đồng chí Trần Phú-Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam và quê hương Hà Tĩnh; Phát huy chí khí cách mạng của đồng chí Trần Phú trong giai đoạn cách mạng hiện nay.
Các đại biểu tham dự hội thảo.
Phát biểu chào mừng tại hội thảo, đồng chí Hoàng Trung Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh nêu rõ, trên mỗi chặng đường phát triển của địa phương, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh luôn kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa, cách mạng quê hương và các thế hệ đi trước; đoàn kết, đồng thuận, vượt mọi khó khăn, kiên định, vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới, các chủ trương, chính sách của Trung ương, cụ thể hóa kịp thời bằng các cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện của tỉnh, từng bước vượt qua khó khăn, thử thách, đạt được kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Trong thời gian tới, bên cạnh những thời cơ, vận hội mới, Hà Tĩnh đang gặp không ít khó khăn. Hội thảo lần này là cơ hội để Hà Tĩnh tiếp tục phát huy tốt truyền thống quê hương, khơi dậy chí khí cách mạng, quyết tâm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh ngày càng giàu đẹp, văn minh, góp phần xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
Từ nhỏ, đồng chí Trần Phú đã sớm bộc lộ tư chất thông minh, ý thức tự lập, vượt khó vươn lên, đỗ đầu kỳ thi Thành chung. Tháng 9/1922, đồng chí được bổ nhiệm làm giáo viên Trường Tiểu học Cao Xuân Dục ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
Tháng 7/1925, đồng chí gia nhập Hội Phục Việt-tổ chức tập hợp các thanh niên yêu nước. Sau khi gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được học tập tại Trường đại học Phương Đông (Liên Xô), đồng chí Trần Phú càng thêm tin tưởng vào con đường cách mạng của Lenin mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chọn.
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 10/1930, đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí đã cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng cụ thể hóa Luận cương chính trị, lãnh đạo đưa phong trào cách mạng có những bước tiến mới…
Ngày 18/4/1931, đồng chí Trần Phú bị địch bắt và bị tra tấn dã man, nhưng với chí khí cách mạng kiên cường, lòng kiên trung sắt son với Đảng, đồng chí đã giữ vững ý chí chiến đấu, bình tĩnh, hiên ngang trước kẻ thù.
Do bị tra tấn cực hình, đồng chí Trần Phú lâm bệnh nặng và đã trút hơi thở cuối cùng tại Nhà thương Chợ Quán (Sài Gòn) vào ngày 6/9/1931, khi mới 27 tuổi.