Giai đoạn 2021 – 2023, Cục Lâm nghiệp (trước đây là Tổng cục Lâm nghiệp) đã thẩm định và công nhận theo thẩm quyền 24 tiến bộ kỹ thuật thuộc lĩnh vực lâm nghiệp. Trong đó, 16 tiến bộ kỹ thuật về giống; 02 tiến bộ kỹ thuật về nuôi dưỡng rừng; 06 tiến bộ kỹ thuật về chế biến và công nghiệp rừng.
Đối với tiến bộ kỹ thuật về giống được công nhận gồm 3 nhóm, nhân giống từ hạt, nhân giống bằng hom và nhân giống bằng nuôi cấy mô như tiến bộ kỹ thuật tạo cây giống từ hạt, bao gồm tiến bộ trong các khâu như thu hái quả, bảo quản hạt, xử lý hạt, tạo bầu, cấy cây vào bầu, chăm sóc nuôi dưỡng cây giống, phòng trừ sâu bệnh hại và tiêu chuẩn cây con xuất vườn; Tiến bộ kỹ thuật tạo cây giống bằng giâm hom, bao gồm tiến bộ trong các khâu: chăm sóc vườn vật liệu, tạo chồi, cắt hom, xử lý hom, tạo bầu, cấy hom vào bầu, chăm sóc nuôi dưỡng cây giống, phòng trừ sâu bệnh hại và tiêu chuẩn cây con xuất vườn; Tiến bộ kỹ thuật tạo cây giống bằng nuôi cấy mô, bao gồm tiến bộ trong các khâu: chọn vật liệu, khử trùng tạo mẫu, tái sinh chồi, ra rễ in vitro và huấn luyện cây mô trong bình, huấn luyện và chăm sóc cây con tại vườn ươm, cấy cây vào bầu đất và chăm sóc cây mô tại vườn ươm, phòng trừ sâu bệnh hại và tiêu chuẩn cây con xuất vườn.
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, kết quả áp dụng tiến bộ kỹ thuật và giống cây lâm nghiệp được công nhận tại các dự án/mô hình Khuyến nông Trung ương ở khu vực trung du và miền núi phía Bắc, giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2023 như Dự án “Xây dựng mô hình trồng cây dược liệu gắn với tiêu thụ sản phẩm ở một số tỉnh phía Bắc” do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Kạn chủ trì, được triển khai tại tỉnh Bắc Kạn và Cao Bằng; Dự án “Xây dựng mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng giống Bạch đàn lai mô được công nhận” do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái chủ trì, triển khai tại tỉnh Yên Bái; Mô hình trồng thâm canh Giổi ăn hạt bằng cây ghép thuộc dự án “Xây dựng mô hình trồng thâm canh Giổi ăn hạt bằng cây ghép” do Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam chủ trì, mô hình được triển khai tại Hoà Bình.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Hoàng Văn Hồng – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, nhiều năm qua hệ thống khuyến nông đã xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình lâm nghiệp tiêu biểu, giúp người dân làm chủ khoa học kỹ thuật và là cầu nối chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất; Các mô hình khuyến lâm được tổ chức thực hiện thành công tại các địa phương trên cả nước đã góp phần giúp người dân các tỉnh miền núi mạnh dạn sản xuất kinh doanh trên đất rừng theo phương thức thâm canh, tạo công ăn việc làm ổn định, tăng thu nhập góp phần xóa đói giảm nghèo, hướng tới phát triển rừng bền vững.
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các tiến bộ kỹ thuật đã được công nhận khi chuyển giao có hiệu quả cao trong sản xuất, giảm chi phí, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, tăng thu nhập, tác động đến toàn vùng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn sản xuất và chỉ đạo Bộ; Các tiến bộ kỹ thuật chuyển giao trong hoạt động khuyến nông dễ áp dụng, phù hợp với sản xuất, đáp ứng mục tiêu, nhằm chuyển giao nhanh các công nghệ mới vào sản xuất cho hiệu quả kinh tế phục vụ phát triển sản xuất; Một số tiến bộ kỹ thuật công nghệ có khả năng áp dụng rộng rãi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu./
Nguồn: https://www.mard.gov.vn/Pages/hoi-thao-gioi-thieu-tien-bo-ky-thuat-linh-vuc-lam-nghiep.aspx