Sáng 3/6, tại Trường Cao đẳng Vĩnh Phúc đã diễn ra Hội thảo nghiên cứu đánh giá hiện trạng, ảnh hưởng của sinh vật ngoại lai xâm hại và đề xuất giải pháp phòng ngừa, kiểm soát một số loài trên địa bàn tỉnh.
Tiến sĩ Trần Thanh Tùng, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Vĩnh Phúc – chủ nhiệm đề tài phát biểu tại hội thảo khoa học.
Tham gia Hội thảo có các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, đại diện các bộ, ngành Trung ương, các viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức xã hội và các tác giả có tham luận.
Phát biểu tại Hội thảo, Tiến sĩ Trần Thanh Tùng – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Vĩnh Phúc – Chủ nhiệm đề tài nêu rõ: Đây là đề tài nghiên cứu, đánh giá hiện trạng các loài sinh vật ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc và đề xuất các giải pháp ngăn ngừa, kiểm soát nhằm bảo vệ môi trường và góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững.
Trên địa bàn Vĩnh Phúc hiện có 21 loài sinh vật ngoại lai ( SVNL), trong đó 8 loài động vật ngoại lai xâm hại (ốc bươu vàng, ốc sên, cá ăn muỗi, cá chim trắng, cá rô phi đen, cá dọn bể, cá trê phi và rùa tai đỏ); 13 loài thực vật ngoại lại xâm hại (bèo lục bình, lược vàng, mai dương, trinh nữ móc, keo giậu, cây cứt lợn, cỏ lào, cúc liên chi, cây cúc bò, ngũ sắc, cỏ para, cỏ nước lợ và xương rồng đất).
Quang cảnh hội thảo khoa học
Quá trình thực hiện đề tài, các tác giả đã xây dựng được bộ mẫu vật trưng bày và ảnh mẫu của 21 loài SVNL phân bố trên địa bàn. Thiết lập được bản đồ phân bố để khoanh vùng và dự báo các vùng có loài ngoại lai xâm hại nguy hiểm. Xác định được con đường xâm nhập của SVNL vào địa bàn và cho rằng chính sự đa dạng trong sinh cảnh trên địa bàn chính là điều kiện để các loài ngoại lai có khả năng phát tán và phân bố.
Các tác giả cũng đã thử nghiệm thành công các phương pháp kiểm soát, diệt trừ một số loài ngoại lai xâm hại. Xây dựng được mô hình quản lý, kiểm soát, diệt trừ ốc bươu vàng; mô hình quản lý, kiểm soát, diệt trừ cây mai dương; mô hình quản lý, kiểm soát, diệt trừ ốc sên.
Để làm giảm tác hại của sinh vật ngoại lai xâm lại, các tác giả đề nghị thời gian tới, tỉnh cần chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan và các địa phương áp dụng triệt để các giải pháp quyết liệt, cụ thể và khoa học. Đặc biệt là cần triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý, ngăn chặn, kiểm soát, diệt trừ thích hợp cho từng đối tượng và phù hợp với tính đặc thù của từng vùng sinh thái.
Tham luận tại Hội thảo, các đại biểu đánh giá cao sự chuyên nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện của nhóm tác giả cũng như ý nghĩa quan trọng của nội dung đề tài đối với sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội bền vững của địa phương.
Các đại biểu cũng nhất trí thống nhất cao những giải pháp khả thi của đề tài có tác động quyết định đến việc hạn chế tối đa các loài sinh vật ngoại lai có hại, đồng thời bảo vệ nguyên vẹn được hệ sinh thái tự nhiên vốn có của tỉnh, từ đó góp phần vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước
Quang Nam