Mới đây, khoa Hồi sức Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã cấp cứu và “hồi sinh” thành công một thanh niên 19 tuổi đang là chiến sĩ bộ đội biên phòng Xín Cái (Mèo Vạc, Hà Giang) bị viêm cơ tim cấp trong tình trạng rất nguy kịch.
Ca cấp cứu được thực hiện ngoạn mục trong vòng 15 tiếng đồng hồ: 14 giờ ngày 27/8 từ đồn biên phòng Xín Cái vận chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 lúc 5 giờ sáng ngày 28/8 (cả vận chuyển và cấp cứu bệnh nhân).
Trước đó, bệnh nhân sốt cao 2 ngày, mệt mỏi, khó thở tăng dần. Nằm tại bệnh xá đồn Biên phòng điều trị với chẩn đoán nhiễm virus cấp. Tình trạng không cải thiện.
Đến ngày thứ 3 xuất hiện đau ngực nhiều, khó thở, huyết áp xu hướng tụt 90/40, có lúc người bệnh co giật.
Làm điện tim tại y tế cơ sở phát hiện rối loạn nhịp tim phức tạp, quân y Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang lập tức liên hệ với Tiến sĩ Đặng Việt Đức- Chủ nhiệm Khoa Hồi sức Tim mạch – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và được tư vấn chuyển gấp xuống vì khả năng bệnh nhân mắc bệnh viêm cơ tim cấp có biến chứng sốc tim, rối loạn nhịp tim nguy hiểm, tỉ lệ tử vong rất cao.
Sau khi nhận được điện thoại, 23h đêm cùng ngày, toàn bộ hệ thống cấp cứu Hồi sức tim mạch được kích hoạt, báo cáo Hệ thống trực cấp cứu trong Bệnh viện, các bác sĩ và điều dưỡng được huy động tối đa vào đơn vị ngay trong đêm, chuẩn bị sẵn sàng cho can thiệp ECMO.
Trong đêm đó, bệnh nhân đã được các đồng đội là chiến sĩ, y bác sĩ tại bệnh xá biên phòng Xín Cái (Mèo Vạc, Hà Giang) vận chuyển bằng "đường bộ" xuống Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Bất chấp quãng đường vài trăm km sạt lở do mưa lớn kéo dài hàng tuần. 3 đồng chí quân y thay nhau cõng đồng đội qua nhiều km đường rừng, hôm đó trời mưa bão, đường sạt lở rất nhiều…nhưng trên vai là đồng đội đang cơn nguy kịch, chúng tôi cứ thế vượt núi băng rừng đưa T đi cấp cứu.
Mọi mệt mỏi, khó khăn dường như không hiện hữu mà chỉ thấy tình đồng chí, đồng đội kề vai sát cánh bên nhau cùng nhau vượt qua lằn ranh “sinh tử”.
Cuối cùng 5 giờ sáng đã tới cửa Khoa Cấp cứu – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, anh N, một trong ba đồng chí cõng bệnh nhân - quân y đồn biên phòng, nhớ lại.
Ths Nguyễn Thành Huy, Khoa Hồi sức Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 – Bác sĩ điều trị trực tiếp cho bệnh nhân cho biết: “5h30' sáng 28/8, sau khi đánh giá lại tình trạng bệnh nhân và xác định đây là ca bệnh viêm cơ tim cấp có biến chứng rối loạn nhịp thất phức tạp, nhanh thất bền bỉ bắt đầu có rối loạn huyết động, có lúc vô mạch.
Chỉ định VA-ECMO được thực hiện ngay lập tức tại phòng can thiệp. 6h bệnh nhân đã được thực hiện kỹ thuật ECMO thức tỉnh an toàn với hệ thống Cardiohelp hiện đại nhất thế giới ở thời điểm hiện tại, sau đó các chỉ số dần ổn định”.
Quá trình chăm sóc điều trị bệnh nhân trong 3 ngày tiếp theo tương đối thuận lợi nhờ có máy ECMO hỗ trợ. Do kỹ thuật ECMO thức tỉnh bệnh nhân vẫn hoàn toàn tỉnh táo, nên mô tả được triệu chứng đau chân đột ngột, dẫn tới chúng tôi phát hiện sớm được biến chứng huyết khối gây tắc cấp tính động mạch khoeo chân trái;
Khoa chẩn đoán và can thiệp tim mạch đã thực hiện kỹ thuật lấy huyết khối thành công.
Tình trạng lâm sàng của bệnh nhân cải thiện từng ngày, các rối loạn nhịp được kiểm soát, huyết áp trở về bình thường và bệnh nhân rút ECMO sau 3 ngày, tiếp tục phục hồi chức năng tập đi lại và sẵn sàng chờ ngày ra viện để trở về đơn vị cùng các đồng chí, đồng đội của mình, Bác sĩ Huy nói tiếp.
“Nhờ sự yêu thương của đồng đội, từ đồn biên phòng Xín Cái đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, em như được “tái sinh” lần nữa.
Em nhớ các anh em ở đơn vị lắm. Sau khi trở về đơn vị tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, nếu sức khoẻ cho phép em sẽ phấn đấu hết mình để được là sỹ quan biên phòng, cống hiến cả đời cho sự nghiệp bảo vệ biên giới của Tổ quốc" - gương mặt chàng trai biên phòng tuổi hai mươi ánh lên nụ cười tươi tắn, kiên định bày tỏ niềm mong ước của mình.
So với ECMO truyền thống, việc ECMO thức tỉnh giúp phát huy ưu điểm của việc tự thở và tỉnh táo, giảm tỷ lệ các biến chứng và tỉ lệ tử vong. Theo một nghiên cứu lớn, đa trung tâm trên thế giới mới công bố, tỷ lệ cứu sống bệnh nhân ECMO thức tỉnh cao hơn rõ rệt so với ECMO truyền thống, TS Đặng Việt Đức – Chủ nhiệm Khoa Hồi sức Tim mạch, chia sẻ.
Trong tương lai, kỹ thuật ECMO thức tỉnh hứa hẹn đem đến nhiều triển vọng, mang lại hiệu quả cao, là động lực mới phù hợp với xu thế y học hiện đại.
Nguồn
Bình luận (0)