Hiện nay, nhiều người bệnh có nhu cầu ghép tạng và đăng ký được ghép tạng ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nói riêng cũng như các bệnh viện trên cả nước nói chung.
Chị H.T.T (45 tuổi, An Giang) vừa hiến một phần lá gan cho bệnh nhân L.Đ.A (62 tuổi, Thường Tín). Bệnh nhân nhận gan chính là anh trai chồng của chị T.
Các bác sĩ của Bệnh viện Trung ương quân đội 108 trong một ca phẫu thuật ghép gan cho bệnh nhân |
Bệnh nhân L.Đ.A có tiền sử viêm gan B 10 năm nay. Tháng 3/2024, bệnh nhân đi khám sức khỏe, tình cờ phát hiện xơ gan và hình ảnh nghi ngờ u gan ở bệnh viện huyện.
Bệnh nhân được chẩn đoán u gan đa ổ theo dõi ung thư biểu mô tế bào gan trên nền viêm gan B mạn. Tháng 4/2024, bệnh nhân đã được TACE (nút mạch) khối lớn nhất tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
TS.Vũ Văn Quang, Phó Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Gan – Mật – Tụy, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, tình trạng của bệnh nhân là ung thư gan ổ nằm trong tiêu chuẩn Milan nên chỉ định ghép là tối ưu.
Trong gia đình bệnh nhân Đ.A, chỉ có bệnh nhân T. (em dâu) có thể tích gan sau khi hiến gan phải được đánh giá là đủ cho người nhận và phần gan trái còn lại bảo đảm chức năng cho người hiến.
Nhớ lại phút giây quyết định hiến gan tặng anh trai chồng, chị T. chia sẻ, sau khi nghe bác sĩ thông báo về tình trạng bệnh và phương pháp tối ưu để điều trị bệnh cho anh, mọi người trong gia đình chúng tôi ai cũng tình nguyện hiến gan cho anh từ con cháu đến anh chị em ruột.
Tuy nhiên, sau khi mọi thành viên trong nhà được làm các xét nghiệm sàng lọc, thì chỉ có mỗi tôi là phù hợp về nhóm máu và miễn dịch. Lúc đó, không biết làm gì để hỗ trợ, giúp đỡ anh. Và thương anh, nên tôi quyết định hiến gan tặng anh.
Cuối tháng 6/2024, các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiến hành ghép gan cho bệnh nhân Đ.A từ chị T. Ca ghép diễn ra thuận lợi.
Theo các nghiên cứu trên thế giới cũng như kinh nghiệm từ trên 200 ca phẫu thuật ghép gan từ người cho sống tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, người hiến an toàn, tỷ lệ tai biến, biến chứng thấp và hoàn toàn khỏe mạnh sau khi ra viện.
Sau ghép, người nhận và người hiến gan được chăm sóc theo chế độ đặc biệt. Người hiến gan được ra viện sau 7 ngày ghép. Chị T. trở về sinh hoạt bình thường, chức năng gan đạt ngưỡng bình thường, thể tích gan trái còn lại sau ghép đã tăng thêm 100%.
Hiện tại, sức khỏe của người nhận toàn trạng ổn định, chức năng gan ghép tốt, ăn uống ngon miệng, đi lại bình thường.
Hiện nay, nhiều người bệnh có nhu cầu ghép tạng và đăng ký được ghép tạng ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nói riêng cũng như các bệnh viện trên cả nước nói chung.
Tuy nhiên, nhu cầu của người đăng ký ghép tạng thì nhiều nhưng nguồn hiến tạng lại vô cùng ít, bởi vậy danh sách bệnh nhân chờ ghép ngày càng dài thêm.
Để tiếp tục tăng nguồn hiến mô, tạng, giúp nhiều người bệnh được cứu sống, cần có sự vào cuộc cả cộng đồng, xã hội. Câu chuyện hiến gan cho anh trai chồng của chị H.T.T không chỉ là một minh chứng sống động về tình thân và lòng nhân ái, mà còn là nghĩa cử cao đẹp về hiến tạng cứu người.
Về công tác hiến ghép tạng ở Việt Nam, theo số liệu của Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép cơ thể người, năm 2023 số người được ghép tạng tại Việt Nam là 1.000 người, trở thành nước có nhiều người được ghép tạng nhất Đông Nam Á.
Tuy nhiên, trong số người được ghép này chủ yếu lấy từ nguồn tạng là người hiến còn sống, còn nguồn tạng là người chết não chỉ có 12 người.
PGS-TS.Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, tỷ lệ hiến tạng từ người chết não tại Việt Nam chỉ có 0,15 người trên 1 triệu dân, đứng thứ 38 trên thế giới. trong khi tỷ lệ này trên thế giới là 50 người/1 triệu dân. Điều này cho thấy số người hiến tạng khi chết não tại Việt Nam rất thấp.
Nhu cầu người bệnh cần ghép tạng là rất lớn, nhưng vì thiếu nguồn tạng từ người cho chết não nên phải lấy tạng từ nguồn tạng từ người hiến sống. Tuy nhiên, chúng ta vẫn mong muốn nguồn tạng hiến từ người chết não, chết tim nhiều hơn, vì một người chết não hay chết tim có thể hiến được 8 tạng (2 thận, 2 gan, 2 phổi, tim, tuyến tuỵ; ngoài ra ra giác mạc…).
Còn người sống chỉ ghép được một bộ phận, và có bộ phận không bao giờ lấy được như tim; bên cạnh đó còn có những rủi ro về sức khoẻ đối với người hiến sau hiến tạng.
Còn theo PGS.Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, hiện nay, khó khăn chủ yếu liên quan đến vận động đăng ký hiến tạng vẫn là quan niệm, nhận thức của người dân là chết phải toàn thây, e ngại đụng vào thân thể người thân sau chết; sợ ảnh hưởng gia đình; chưa thấy hiến tạng là văn hoá, trách nhiệm và từ bi với cộng đồng.
Trong các hoạt động truyền thông, lan tỏa thông điệp về việc cho đi là còn mãi, các cơ quan cần phải xác định các đối tượng đích để có cách truyền thông khác nhau. “Truyền thông không nên chỉ tập trung vào đưa tin về các ca ghép tạng thành công”, bà Tiến chia sẻ.
Bên cạnh đó, người dân còn khó khăn về cách thức đăng ký hiến tạng, cần hướng dẫn đơn giản, dễ tiếp cận cho người dân.
Các quy định của pháp luật hiện nay cũng cần được điều chỉnh để làm tăng cơ hội hiến tạng sau chết não như điều kiện có thể hiến tạng sau chết; tuổi hiến tạng (hiện nay là trên 18 tuổi), chế độ cho người hiến tạng và gia đình; cơ chế tài chính về chi phí, thanh toán cho vận động hiến, ghép và sau ghép.
Theo bà Tiến, quy định pháp luật của một số quốc gia trên thế giới không có thủ tục đăng ký hiến mô tạng, mà theo nguyên tắc suy diễn là đương nhiên.
Sau khi chết não, thì hiến tạng với sự đồng ý của gia đình (có nước không cần gia đình đồng ý); trên bằng lái xe có ký hiệu đã đồng ý hiến tạng sau chết.
Gia đình chỉ có đơn không hiến tạng vì các lý do đặc biệt. Điều kiện hiến tạng là trên 13 tuổi; quy định đối với cả người chết não và chết tim. Đặc biệt ở Mỹ, cho phép tử tù và tù nhân đăng ký hiến tạng sau chết để tăng nguồn tạng.
Nguồn: https://baodautu.vn/hoi-sinh-nho-mot-phan-la-gan-hien-tu-nguoi-than-d220244.html