Phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo, NSND Nguyễn Hoàng Tuấn, Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội cho biết: “Những dấu mốc của hành trình 70 năm qua như muốn nói rằng sân khấu Hà Nội đã có một lịch sử không thiếu vinh quang, rất nhiều thành tựu nhưng cũng nhận thấy giới nghệ sĩ nói chung, sân khấu Hà Nội nói riêng vẫn cần phải giải quyết rất nhiều những vấn đề trong quá trình phát triển. Vài thập niên gần đây, chúng ta phải đối mặt với sức ép của chính quá trình phát triển mà sự đa dạng, phong phú và luôn thay đổi của các phương tiện nghe nhìn, sự thay đổi thị hiếu của công chúng đang gây ra sức ép rất lớn.
Thủ đô Hà Nội ngày càng hòa nhập sâu rộng hơn vào quá trình hội nhập, hiện đại hóa thì những hình thức diễn xướng truyền thống càng chịu nhiều sức ép, trở thành yếu thế. Dù xót xa, chúng ta cũng phải thừa nhân thời đại hoàng kim của Cải lương đã qua, các loại hình truyền thống như chèo, dân ca, nhạc cổ truyền… đang mất dần công chúng”.
“Hoạt động của Hội Sân khấu Hà Nội trong những năm qua đã được tổng kết, đánh giá trong các báo cáo thường niên, chúng ta cũng đã cố gắng giải quyết từng bước những vấn đề nảy sinh và duy trì hoạt động của Hội một cách bài bản, chuyên nghiệp”, NSND Hoàng Tuấn nhấn mạnh.
Đánh giá về nghệ thuật sân khấu trong sáng tác và biểu diễn, NSND Lê Tiến Thọ cho rằng Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về việc “Xây dựng và phát triển văn hóa nghệ thuật trong thời kỳ mới” năm 2008 xác định VHNT là lĩnh vực đặc biệt tinh tế của văn hóa, là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân-thiện-mỹ của con người, là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội… Đặc biệt, sứ mệnh cao cả đó đã đặt ra cho người nghệ sĩ trách nhiệm lớn lao là đem tác phẩm nghệ thuật có chất lượng góp phần hình thành nhân cách, xây dựng nền móng đạo đức của con người.
Theo NSND Lê Tiến Thọ, nghệ thuật sân khấu là loại hình nghệ thuật tổng hợp được biểu diễn trực tiếp trước khán giả. Vì vậy, những vấn đề đạo đức xã hội được chuyển tải qua các yếu tố thẩm mỹ được thể hiện ở số phận của từng nhân vật, từ đó góp phần bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách của mỗi người.
“Hình tượng sân khấu đã trở thành một giá trị đạo đức, một lối sống thấm sâu vào đời sống con người trong xã hội. Cảm nhận về cái xấu, cái tốt qua hình tượng nghệ thuật sân khấu giups người xem có những ứng xử phù hợp, hướng đến những giá trị nhân văn cao đẹp”, NSND Lê Tiến Thọ nhấn mạnh.
NSND Lê Tiến Thọ cho rằng, để xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ 4.0, giới nghệ sĩ sân khấu cần nỗ lực phát huy khả năng sáng tạo để có những tác phẩm nghệ thuật sân khấu có giá trị cao, đáp ứng nhu cầu của công chúng, hoàn thành sứ mệnh trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp… góp phần xây dựng con người xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ hội nhập vững bước đi vào kỷ nguyên mới.
Trình bày tham luận tại hội thảo, NSND Bùi Thanh Trầm, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Sân khấu Hà Nội chia sẻ, nền sân khấu cách mạng Việt Nam đã được hình thành mà những bước đi, những thành tựu sẽ được nối tiếp bằng các sự kiện, các tác phẩm trong suốt các thời kỳ sau này của lịch sử sân khấu Việt Nam hiện đại.
Những năm gần đây, tiếng nói của sân khấu Hà Nội, đặc biệt là vị trí của nó giữa sân khấu cả nước cũng hạn chế và có lúc đáng lo ngại, kể cả Kịch nói vốn là một điểm mạnh, rất mạnh của sân khấu Hà Nội. Riêng cải lương, mặc dù không tránh khỏi những khó khăn, nhưng vẫn duy trì được chất lượng nghệ thuật của mình, còn Chèo vẫn nhức nhối với vấn đề phương hướng, sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa giữ gìn bản sắc dân tộc và tiếp thu yếu tố hiện đại… Đặc biệt, về vấn đề khán giả Hà Nội cũng đặt ra nhiều vấn đề nhức nhối đối với giới văn nghệ sĩ.
“70 năm qua, sân khấu Hà Nội mặc dù trải qua nhiều khó khăn, thậm chí biến động đã đạt được những thành tựu không nhỏ thể hiện ở chất lượng của các tác phẩm và sự trưởng thành của các nghệ sĩ. Phát huy thành quả này, Hội nghệ sĩ sân khấu Hà Nội cần tăng cường hơn nữa hoạt động cả bề rộng và bề sâu để đạt tới tầm cao mới trước trước thềm Đại lễ 1020 năm Thăng Long – Hà Nội”, NSND Bùi Thanh Trầm nhấn mạnh.
Xuyên suốt hội thảo, các lãnh đạo, khách mời cùng trình bày tham luận đưa ra hướng phát triển mới cho ngành sân khấu, đóng góp chung ý kiến để phát triển nền nghệ thuật nước nhà.
Nguồn: https://www.congluan.vn/hoi-san-khau-ha-noi-co-mot-lich-su-khong-thieu-vinh-quang-post315086.html