Thời gian qua, Hội Nông dân huyện Kim Sơn đã có nhiều hoạt động đồng hành cùng hội viên, nông dân trong phát triển kinh tế, qua đó khơi dậy ý chí vươn lên, khát vọng làm giàu trong cán bộ, hội viên nông dân. Từ sự hỗ trợ của các cấp Hội, nhiều hội viên nông dân đã mạnh dạn xây dựng mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập và góp phần phát triển kinh tế – xã hội của huyện Kim Sơn.
Những ngày đầu tháng 6, dưới cái nắng oi ả của mùa hè, chúng tôi về xóm 14, xã Ân Hòa. Dọc hai bên đường trục xóm là những ao, đầm nuôi thủy sản nằm san sát nhau. Được biết vùng đất này trước đây là khu ruộng trũng, cấy lúa kém hiệu quả. Nhưng từ khi được Hội Nông dân xã Ân Hòa tuyên truyền về chủ trương cho phép chuyển đổi sang cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn, phong trào nuôi tôm thẻ tại đây đã phát triển mạnh.
Gia đình ông Trần Văn Thiệu (xóm 14) bắt đầu thả giống tôm từ năm 2021, đến nay đã là vụ thu hoạch thứ 4. Năm 2022, gia đình ông thu về khoản lợi nhuận hơn 200 triệu đồng từ nuôi tôm. Ông Thiệu chia sẻ: Được Hội Nông dân xã tổ chức đi tham quan, học hỏi một số mô hình nuôi trồng thủy sản hiệu quả, tôi đã quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích 5 sào ruộng sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Với sự hướng dẫn tận tình về kỹ thuật của cán bộ Hội Nông dân từ tỉnh đến xã, tôi đã biết cách tạo độ mặn cho môi trường ao nuôi tôm. Hơn thế, tôi còn được vay 80 triệu đồng từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân để đầu tư máy sục khí… Nhờ đó, năng suất và chất lượng tôm thẻ bảo đảm, được người tiêu dùng ưa chuộng nên tiêu thụ dễ, nguồn thu nhập của gia đình ổn định và từng bước tăng cao.
Đồng chí Dương Văn Phàn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ân Hòa cho biết: Với sự tham mưu của Hội Nông dân xã, những năm gần đây, xã Ân Hòa đã định hướng, quy hoạch khu vực xóm 13 và xóm 14 của xã thành vùng nuôi tôm tập trung. Đến nay, tại 2 xóm đã có hơn 50 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng. Bên cạnh hỗ trợ về kỹ thuật nuôi trồng bằng việc tham gia các lớp tập huấn, chúng tôi còn hỗ trợ hàng trăm lượt hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ nông dân, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn…
Bên cạnh việc “mở lối” cho hội viên, nông dân xây dựng mô hình kinh tế, vươn lên làm giàu, các cấp Hội Nông dân huyện Kim Sơn còn chú trọng tập hợp, đoàn kết hội viên nông dân bằng việc vận động thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, chi hội và tổ hội nghề nghiệp. Từ đó giúp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, đảm bảo quyền lợi cho các thành viên.
Ông Phạm Xuân Cửu, Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp tiểu thủ công nghiệp Chi hội nông dân xóm 11, xã Như Hòa cho biết: Trước đây, nhiều hộ trong xóm đã làm nghề thủ công nhưng “mạnh ai nấy làm”, không có sự liên kết với nhau… Từ sự tuyên truyền, vận động của cán bộ Hội Nông dân xã Như Hòa, năm 2022 chúng tôi đã thành lập tổ hội nghề nghiệp với 36 thành viên, đến nay đã phát triển lên hơn 100 thành viên. Qua đó giúp đảm bảo nguồn thu nhập từ 3 triệu đồng/người/tháng trở lên cho thành viên.
Đồng chí Vũ Duy Tùng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kim Sơn cho biết: Những năm qua, các cấp Hội Nông dân huyện Kim Sơn đã tập trung vận động hội viên, nông dân phát triển kinh tế, mà trọng tâm là việc triển khai, thực hiện có hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” với những giải pháp cụ thể, thiết thực. Trong đó tập trung tuyên truyền, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng làm giàu cho hội viên, nông dân; tổ chức tham quan mô hình kinh tế tiêu biểu của các địa phương trong tỉnh, các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề; hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, vật tư nông nghiệp; hỗ trợ khâu quảng bá, tiêu thụ sản phẩm…
Trong nhiệm kỳ 2018-2023, các cấp Hội đã tổ chức hơn 720 buổi tuyên truyền cho 52.000 lượt cán bộ, hội viên, nông dân về chính sách pháp luật, kỹ thuật canh tác và dạy nghề. Hỗ trợ hơn 180 hộ nông dân vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp và gần 9.000 lượt hội viên được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Cung ứng hơn 2.000 tấn phân bón theo hình thức trả chậm để hội viên nông dân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp.
Song song với đó, các cấp Hội Nông dân trong huyện chú trọng xây dựng các mô hình dân vận khéo nông dân phát triển kinh tế; giao chỉ tiêu hàng năm mỗi cơ sở Hội giúp đỡ ít nhất cho 4 – 5 hộ hội viên nông dân nghèo thoát nghèo…
Từ sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp Hội đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế của hội viên nông dân cho hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như: mô hình nuôi gà, ấp trứng công nghệ cao tại xã Kim Tân; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng áp dụng công nghệ cao, mô hình nuôi ngao, hàu giống tại các xã Kim Đông, Kim Trung, Kim Hải; mô hình nuôi lươn không bùn tại xã Kim Mỹ; mô hình nuôi lợn thịt, lợn nái của hội viên nông dân xã Như Hòa; mô hình nuôi ốc nhồi của hội viên nông dân xã Yên Lộc, Lai Thành, Kim Mỹ… Hiện toàn huyện có gần 4.300 hộ nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Với những hoạt động thiết thực, các cấp Hội Nông dân huyện Kim Sơn đang thực sự là chỗ dựa vững chắc giúp hội viên phát triển kinh tế, giảm nghèo. Không chỉ nâng cao đời sống cho hội viên, các phong trào của Hội còn góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; xây dựng huyện Kim Sơn ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Phạm Thị Thanh Xuân
(Khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị tỉnh)