Với những hoạt động cụ thể hỗ trợ hội viên về nguồn vốn, khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, các cấp Hội Nông dân (HND) huyện Giao Thủy đã góp phần nâng cao vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất quy mô lớn, hiện đại, hiệu quả.
Phát triển nghề nuôi ong lấy mật tại khu vực Vườn quốc gia Xuân Thủy tạo sinh kế bền vững cho nông dân. |
Theo đó, các cấp HND trong huyện đã đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nguồn vốn cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Thực hiện Đề án số 01, ngày 19-3-2019 của Ban Thường vụ HND tỉnh về việc đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân giai đoạn 2019-2023, HND huyện đã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn và chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện Đề án, giao chỉ tiêu tăng trưởng từ các nguồn, trong đó chú trọng việc vận động tăng trưởng ở cơ sở. Đến nay, có 22/22 Ban vận động Quỹ cấp xã, thị trấn. Năm 2022, tổng số Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn huyện là 1 tỷ 709 triệu đồng; nguồn vốn của Trung ương Hội, Tỉnh Hội ủy thác là 2,9 tỷ đồng, cho trên 350 hộ vay phát triển các mô hình kinh tế. Để tạo điều kiện hỗ trợ nông dân tiếp cận với các nguồn vốn, HND các cấp cũng đã nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội cho nông dân nghèo, các đối tượng chính sách xã hội vay phát triển sản xuất, giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội với tổng dư nợ 191,2 tỷ đồng cho 5.304 hộ vay. Bên cạnh đó, các cấp Hội chú trọng các hoạt động tổ chức đào tạo nghề, tạo việc làm cho nông dân, cung ứng vật tư đầu vào, hỗ trợ nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới. HND huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản liên quan đến công tác dạy nghề nông thôn đến cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn huyện; hàng năm phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh, các trường dạy nghề tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề để xây dựng kế hoạch dạy nghề cho hội viên, nông dân. Trong 5 năm qua, các cấp Hội phối hợp tổ chức 45 lớp dạy nghề cho 1.350 học viên tham dự với các nghề trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi thủy sản, may công nghiệp, uốn tỉa cây cảnh… Qua đó, nhiều học viên đã áp dụng vào sản xuất đạt hiệu quả, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Các cấp Hội trong huyện còn tích cực phối hợp tổ chức 127 buổi tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hội thảo và 5 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 19.025 lượt người tham dự, cung ứng trên 31.500 tấn phân bón trả chậm giúp nông dân sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả. Thông qua các lớp tập huấn đã giúp cán bộ, hội viên nông dân nâng cao kiến thức về kỹ thuật thâm canh, kỹ thuật phòng và điều trị bệnh trong chăn nuôi gia súc gia cầm, khai thác nuôi trồng thuỷ sản… giúp tăng năng suất chất lượng sản phẩm, giá trị sản xuất.
Cùng với đó, hoạt động hỗ trợ hội viên, nông dân quảng bá và tiêu thụ sản phẩm tiếp tục được quan tâm. Các cấp Hội tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đưa các sản phẩm tham dự các chương trình dự án khởi nghiệp, hội chợ nhằm quảng bá giới thiệu sản phẩm và đăng ký sản phẩm OCOP hàng năm; phối hợp với Bưu điện huyện đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn. Đến nay, toàn huyện có 86 sản phẩm OCOP được UBND tỉnh xếp hạng 3-4 sao. Ngoài ra, các cấp HND trong huyện còn vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả; tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Đến nay, toàn huyện đã có 17 tổ hợp tác, HTX với 359 thành viên do các cấp Hội vận động thành lập, trong đó có 4 tổ hợp tác khai thác thủy hải sản gắn với bảo vệ an ninh biên giới tuyến biển tại các xã Giao Thiện, Giao Long, Giao Xuân và thị trấn Quất Lâm; 5 tổ hợp tác nuôi trồng thủy hải sản tại các xã Bạch Long, Giao Hải, Giao Thiện, Giao Phong, thị trấn Quất Lâm; 3 tổ hợp tác dịch vụ thuộc các xã Giao Phong, Giao Tân, Hồng Thuận; 1 tổ hợp tác sản xuất chế biến hải sản thuộc xã Giao Châu; 1 tổ hợp tác sản xuất giống cây trồng xã Giao Yến; 2 tổ hợp tác sản xuất nấm xã Giao Tiến và Hoành Sơn; 1 HTX sản xuất nấm xã Hồng Thuận. Hoạt động của các mô hình tổ hợp tác, HTX đã đem lại hiệu quả kinh tế cho các thành viên, thông qua sự liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giúp nhau về vốn, khoa học kỹ thuật.
Từ hoạt động hỗ trợ thiết thực của các cấp HND huyện Giao Thủy, cán bộ, hội viên nông dân trong huyện đã thi đua lao động sản xuất, góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn tiếp tục phát triển ổn định, thực sự là huyện trọng điểm về nông nghiệp của tỉnh. Sản xuất nông nghiệp có bước phát triển khá toàn diện. Giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân tăng từ 3,3%/năm. Các ngành nghề trong nông thôn phát triển như chế biến thủy hải sản, lương thực thực phẩm, cơ khí, may công nghiệp, dịch vụ… thu hút hàng nghìn lao động ở nông thôn, chủ yếu là nông dân. Đời sống nông dân ngày càng nâng cao, nhiều hộ vươn lên khá, giàu. Bình quân hàng năm có từ 8.000 đến 11 nghìn hộ nông dân đạt hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay, từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, các cánh đồng lớn, tạo điều kiện vận động nông dân thực hiện tích tụ ruộng đất để sản xuất quy mô tập trung các sản phẩm nông nghiệp sạch, sản xuất giống và nuôi trồng thủy hải sản thâm canh công nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trang trại tổng hợp. Một số hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã tích tụ ruộng đất, đầu tư máy móc, công nghệ, tổ chức sản xuất quy mô lớn, xây dựng thương hiệu và trực tiếp ký kết hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp để ổn định sản xuất. Tiêu biểu như tổ hợp tác gắn với chi, tổ hội nghề nghiệp nuôi trồng thủy hải sản các xã Bạch Long, Giao Long, Giao Hải; Tổ hợp tác sản xuất nước mắm Sa Châu, xã Giao Châu; Tổ hợp tác khai thác thủy hải sản xa bờ xã Giao Thiện và thị trấn Quất Lâm. Nhiều điển hình tiên tiến cá nhân với ý chí vươn lên không chỉ làm giàu cho bản thân mà đóng góp cho xã hội như ông Lê Huy Điệp, Công ty TNHH Cơ khí Quyết Tiến, xã Giao Tiến chuyên sản xuất máy phục vụ sản xuất nông nghiệp; ông Nguyễn Hùng Vương, Công ty TNHH MTV Chế biến thủy hải sản Hùng Vương, xã Giao Nhân với mô hình liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; ông Vũ Tuấn Hiệp, HTX nấm và tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp, xã Hồng Thuận sản xuất, chế biến các sản phẩm từ nấm. Các ông Trần Văn Chinh, Trần Văn Thượng, xã Giao Lạc phát triển cơ sở may váy áo cưới. Ông Nguyễn Đại Dương, xã Giao An nuôi trồng thủy hải sản. Ông Vũ Xuân Nghinh, xã Giao Thanh phát triển sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ. Các ông Mai Văn Vụ, Trần Minh Sơ, Nguyễn Văn Thái, chủ cơ sở sản xuất nước mắm Sa Châu, xã Giao Châu phát triển nghề truyền thống của địa phương… Ngoài ra, tại các xã, thị trấn còn nhiều hộ nông dân tiêu biểu khác trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, có thu nhập từ 200-700 triệu đồng/năm.
Thời gian tới, các cấp HND huyện Giao Thủy tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân về vốn, khoa học kỹ thuật, dạy nghề, tiêu thụ sản phẩm…; phấn đấu hàng năm có 50% lượt hội viên nông dân được đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số trong nông nghiệp, năng lực tổ chức sản xuất tiên tiến; các cấp Hội phối hợp với các trung tâm, các trường trung cấp nghề tổ chức đào tạo nghề cho 250-300 lao động./.
Bài và ảnh: Lam Hồng