Thông tin tại Hội thảo thực trạng hoạt động cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng và vấn đề thu hồi nợ hiện nay do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức ngày 16.11, tại Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho biết thời gian qua, các tổ chức tín dụng đã tích cực thực hiện nhiều biện pháp để cải thiện tình hình hoạt động, tăng dư nợ tín dụng theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước…
Tuy nhiên, hiện nay, tình hình kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, nền kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp, khó lường dẫn đến hoạt động cho vay nói chung, đặc biệt là cho vay tiêu dùng nói riêng gặp nhiều thách thức.
Theo Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, trước đại dịch Covid-19, cho vay tiêu dùng tăng trưởng rất nhanh, giải quyết nhu cầu thiết thực của người dân. Tuy nhiên, sau đại dịch, tín dụng tiêu dùng giảm rất mạnh.
Từ đầu năm tới nay, do ảnh hưởng tiêu cực của suy giảm kinh tế toàn cầu và khó khăn của kinh tế trong nước, hoạt động của các ngân hàng đang phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Tính đến hết tháng 9, tốc độ tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế ở mức thấp (6,92%), trong đó tốc độ tăng trưởng cho vay tiêu dùng chỉ tăng 1,53% so với cuối năm 2022.
Các nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng tín dụng thấp được ông Tú chỉ ra là do nhu cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp, trong khi chi phí đầu vào cao, thị trường đầu ra và đơn hàng của doanh nghiệp suy giảm kéo theo cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh giảm. Bên cạnh đó, thu nhập của người dân bị suy giảm, nhu cầu tiêu dùng bị thắt chặt dẫn đến nhu cầu vay tiêu dùng giảm sút mạnh, khả năng trả nợ khó khăn, nợ xấu gia tăng.
Một số tổ chức tín dụng buộc phải cắt giảm danh mục cho vay tiêu dùng
Ông Hùng nhấn mạnh, tính đến cuối tháng 9, tỷ lệ nợ xấu trong tín dụng tiêu dùng toàn hệ thống có xu hướng gia tăng (khoảng gần 3,7% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng; trong khi từ năm 2018 – 2022, tỷ lệ nợ xấu này chỉ trên dưới 2%). Thậm chí, tỷ lệ nợ xấu của các công ty tài chính có nguy cơ tăng trên 15%; nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn, thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao.
Tỷ lệ nợ xấu cho vay tiêu dùng ngày càng tăng cao, ngoài những yếu tố khách quan với khó khăn chung, theo ông Hùng, còn có những yếu tố chủ quan, rất nguy hiểm mà chưa có chế tài xử lý.
Đó là khách hàng cố tình không trả nợ, người trước khuyên người sau không trả nợ, thậm chí cán bộ công ty đến đòi nợ hoặc nhắc nợ thì chống đối, tố cáo, vu khống cán bộ là dùng biện pháp manh động để đòi nợ đến chính quyền.
Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng nhắc tới tình trạng các hội nhóm rủ nhau “bùng” nợ tràn lan trên mạng xã hội, kéo theo nhiều hệ lụy cho các tổ chức tín dụng nhưng không bị xử lý… “Tất cả những điều trên làm cho hoạt động thu hồi nợ, đặc biệt là nợ tín dụng tiêu dùng của tổ chức tín dụng gặp rất nhiều khó khăn. Một số tổ chức tín dụng buộc phải chủ động cắt giảm danh mục cho vay tiêu dùng, tránh nợ xấu tiếp tục phát sinh”, ông Hùng nói.
Ông Nguyễn Đình Đức, Phó tổng giám đốc Công ty Tài chính TNHH HD SAISON, đề xuất cần có các biện pháp cụ thể nhằm kêu gọi, nâng cao ý thức, thái độ của những người vay; đồng thời xử lý nghiêm các đối tượng tham gia vào các hội nhóm “bùng” nợ, cũng như những người hướng dẫn và khuyến khích hành vi “bùng” nợ, cố tình không trả nợ.
Đồng thời, cần áp dụng chế tài răn đe đối với những cá nhân có hành vi cố tình vi phạm quy tắc, đạo đức trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng nói riêng và lĩnh vực tín dụng cá nhân nói chung. Nếu không có hành động cụ thể, việc “bùng” nợ có thể tiếp tục xảy ra, có thể tác động đến nợ xấu không những tháng cuối năm 2023 mà còn nhiều năm sau nữa.
Phó thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh Ngân hàng Nhà nước rất quan tâm việc làm sao để giảm bớt loại hình kinh doanh bất hợp pháp đang nở rộ, lấn át công ty tài chính chính thức; thậm chí, có hành lang pháp lý, chế tài về thu hồi nợ, chế tài đối với những công ty tài chính không chính thức, trá hình…
Đến cuối tháng 9, toàn hệ thống có 84 tổ chức tín dụng triển khai hoạt động tín dụng tiêu dùng, trong đó có 15 công ty tài chính tiêu dùng.
Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế khoảng 12.749.000 tỉ đồng; trong đó tín dụng tiêu dùng của toàn hệ thống đạt khoảng 2.703.000 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 21,2% tổng dư nợ nền kinh tế (trong đó, dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tạm tính là 134.279 tỉ đồng, chiếm khoảng 5% dư nợ cho cho vay tiêu dùng toàn hệ thống).
Do đó, đây có thể được coi là kênh dẫn vốn hiệu quả đối với người dân trong xã hội.