Nhà văn Bích Ngân tâm sự trong buổi họp báo của Hội Nhà văn TP.HCM ngày 20-2 nhằm công bố thông tin các hoạt động của Ngày thơ Việt Nam diễn ra tại Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật TP.HCM (81 Trần Quốc Thảo, Quận 3).
Ngày thơ sẽ diễn ra trong hai ngày 23 và 24-2.
Sân thơ trẻ, sân thơ thiếu nhi sẽ là chủ lực
Bên cạnh việc công bố các hoạt động chính của Ngày thơ Việt Nam tại TP.HCM, bà Bích Ngân – chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, mong muốn đội ngũ nhà văn, nhà thơ trẻ, viết cho thiếu nhi sẽ dành được nhiều sự quan tâm từ công chúng.
“Với những sự kiện tuyên truyền cho hoạt động văn chương của Hội nhà văn, các bạn đều làm rất tốt và nhiệt tình.
Chúng tôi rất xúc động và thường nói với nhau rằng: Hội nhà văn thì nghèo như thế, không có nhiều điều kiện nhưng mỗi lần làm các hoạt động thì các bạn vẫn chung sức, chung lòng, đưa bài vở chất lượng” – bà Ngân bày tỏ.
Hội nhà văn TP.HCM cho biết như mọi năm, sân thơ trẻ là chủ lực của Ngày thơ Việt Nam.
“Khi họ tích cực viết văn, làm thơ, họ đã chứng minh rằng mình không chỉ chạy theo mưu sinh, chạy theo kinh tế mà việc hoạt động văn chương đã nuôi dưỡng tâm hồn họ lớn lên cùng với thành phố” – đại diện Hội Nhà văn TP.HCM chia sẻ.
Hội nhà văn TP.HCM sẽ kết nối với những nhà thơ trẻ, tài năng dù chưa phải là hội viên qua việc tạo ra sân thơ trẻ.
Sân thơ trẻ giới thiệu những gương mặt mới trên văn đàn như: Minh Anh, Trần Đức Tín, Trần Văn Thiên, Huỳnh Trọng Khang, Huỳnh Hữu Phước…
Trong đó, có những người còn đang là học sinh, sinh viên nhưng đã được nhiều giải thưởng văn học nhất định.
Ví dụ như Minh Anh, cô gái vừa mới 16 tuổi nhưng vừa đoạt giải A Giải thưởng Văn học nghệ thuật Việt Nam với tập thơ Một ngày từ bên trong.
Sáng 24-2, tại Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật TP.HCM (81 Trần Quốc Thảo, Quận 3) sẽ diễn ra buổi ký tặng sách, giao lưu với các nhà thơ, nhà văn trẻ.
Năm nay, có thêm sân thơ thiếu nhi lần đầu được tổ chức nhằm khích lệ tác giả sáng tác các tác phẩm cho thiếu nhi và gợi mở những vấn đế liên quan đến sáng tác văn học thiếu nhi.
Hội Nhà văn TP.HCM cũng cho rằng khi đã quan tâm đến thế hệ nhà văn trẻ thì cũng cần nghĩ đến tương lai của thiếu nhi.
Nếu không nuôi dưỡng tình yêu văn chương cho các em nhỏ thì 10, 20 năm nữa, tương lai sẽ như thế nào.
Hội Nhà văn TP.HCM xuất bản sách về thơ được phổ nhạc
Thành phố này tôi đến tôi yêu là chủ đề Ngày thơ 2024 của Hội nhà văn TP.HCM. Đây chính là một câu thơ của Hải Như viết về thành phố này.
Hoạt động của Ngày thơ chủ yếu nhắc nhớ lại những thành tựu của những nhà thơ có các tác phẩm có giá trị, đi vào lòng người như: Hải Như, Đỗ Nam Cao, Đoàn Vị Thượng…
Nhà văn Bích Ngân cho biết, ban tổ chức chọn ra 6 bài thơ, ca khúc hay của các nhà thơ, tác giả với đề tài gắn với TP.HCM để biểu diễn nghệ thuật như: Người mẹ Bàn Cờ (Thơ Nguyễn Kim Ngân), Đi trong hương tràm (thơ Hoài Vũ)…
Từ Ngày thơ 2024, Hội nhà văn TP.HCM triển khai việc thực hiện công trình 50 năm văn học nghệ thuật đã được thành phố phê duyệt.
Đó là tổ chức in và phát hành rộng rãi quyển sách về những bài thơ hay (cả nhạc) được phổ nhạc.
Cuốn sách sẽ bao gồm phiên bản gốc của những bài thơ hay, tiêu biểu được phổ nhạc.
Hội Nhà văn TP.HCM cho biết thêm Ngày thơ Việt Nam tổ chức đúng vào Tết nguyên tiêu nên có thêm một khoảng kinh phí đáng kể so với năm ngoái. Tổng kinh phí tổ chức khoảng 400 triệu.
Đây sẽ là cơ hội để phát triển Ngày thơ Việt Nam thành một sự kiện văn hóa lớn của TP.HCM.