Đây là một trong những hoạt động nằm trong chuyến hành trình về nguồn đầy ý nghĩa tại ATK Định Hóa Thái Nguyên nhân kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2023) do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức.
Theo đó, đoàn đã tới thăm Di tích lịch sử Quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (xã Tân Thái, huyện Đại Từ). Cách đây 74 năm (4/4/1949), khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở giai đoạn khó khăn ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng lập, đặt tên và chỉ thị cho Tổng bộ Việt Minh thành lập Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng do đồng chí Đỗ Đức Dục, Phó bí thư Tổng bộ Việt Minh làm Giám đốc, đồng chí Xuân Thủy làm Phó giám đốc.
Do hoàn cảnh kháng chiến, trường chỉ tổ chức duy nhất được một khóa học ngắn hạn gồm 42 học viên là cán bộ chính trị, quân sự, báo chí của cả nước; giảng viên của lớp đều là các lãnh đạo giàu kinh nghiệm chính trị, vốn sống phong phú và là những nhà hoạt động văn hóa văn nghệ tên tuổi như: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Trần Huy Liệu, Tố Hữu, Nam Cao, Thế Lữ…
Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là điển hình của cách dạy và học nghiêm túc dù trong hoàn cảnh kháng chiến vô cùng khó khăn. 42 học viên và 29 giảng viên thực sự là những hạt nhân của báo chí cách mạng, góp phần to lớn làm nên những trang sử vẻ vang của báo chí nước nhà.
Thông tin với đoàn, nhà báo Phan Hữu Minh, nguyên Uỷ viên Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Trưởng ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, tại đây trường học mới chỉ có 42 học viên học trong 3 tháng, cũng trong 3 tháng đó Bác Hồ đã hai lần gửi thư những bức thư Bác gửi cho lớp là những cẩm nang vô cùng quý báu với người làm báo.
“Ngày này (4/4/2019), tại Lễ kỷ niệm 70 năm Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã được công bố Quyết định xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia. Hiện dich tích rộng khoảng 857 m2 trong tổng thể khoảng 2000 m2, đây sẽ vừa là bảo tàng, di tích, vừa là nơi hội họp thăm quan của người làm báo cả nước” – nhà báo Phan Hữu Minh chia sẻ.
Nhà báo Huỳnh Thúy Kiều – biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Cà Mau cho biết, đây là lần đầu tiên đến với Thái Nguyên và di tích lịch sử quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tôi thật sự xúc động và được hiểu thêm về nơi dạy làm báo đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam, đây là cơ hội hiếm trong đời. Là hội viên từ đất mũi Cà Mau nên dịp này đã cho tôi một sự động viên, khích lệ lớn. Báo chí cách mạng Việt Nam đã tôi luyện hình thành nên những nhà báo tên tuổi từ Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.
Nhà báo Huỳnh Thúy Kiều cho rằng, dẫu việc ứng dụng công nghệ như thế nào nhưng cái tâm, lý tưởng của người làm báo vẫn là điều quan trọng hàng đầu. Mỗi một câu một chữ được nhà báo đăng tải đều cần mang sứ mệnh lớn lao của người làm báo, nó là trọng trách nặng nề trong thời đại công nghệ số, mạng xã hội phát triển như hiện nay.
Phát biểu tại buổi thăm quan về nguồn, nhà báo Trần Trọng Dũng- Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, đoàn đi lần này có nhiều hội viên, nhà báo công tác ở các cơ quan báo chí phía Nam, nơi xa nhất của tổ quốc về thăm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Đây là nơi đầu tiên dạy làm báo trong thời kỳ kháng chiến ở Việt Nam.
Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, trong các dự án của Hội Nhà báo Việt Nam có dự kiến xây dựng công trình xây dựng di tích, bố trí nguồn vốn chuẩn bị mặt bằng. Hi vọng công trình sẽ được triển khai để hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025).