Hội nghị được tổ chức nhằm tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan thanh tra các quy định của Luật Thanh tra 2022, Nghị định số 43/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Thanh tra, Nghị định số 03/2024/NĐ-CP ngày 11/01/2024 của Chính phủ về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Trong đó, tập trung vào những điểm mới về tổ chức và hoạt động của các cơ quan thanh tra. Đây là các văn bản pháp luật quan trọng tạo cơ sở pháp lý đầy đủ toàn diện cho tổ chức hoạt động thanh tra.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy nhấn mạnh, Luật Thanh tra năm 2022 được ban hành nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước và Hiến pháp năm 2013 về tổ chức hoạt động của các cơ quan thanh tra và khắc phục những hạn chế bất cập của Luật Thanh tra năm 2010 ảnh hưởng đến hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra.
Luật Thanh tra năm 2022 có sự thay đổi nhiều nội dung thể hiện nhiều chính sách mới với 8 chương và 118 điều, so với Luật Thanh tra năm 2010, Luật Thanh tra năm 2022 đã tăng 30 điều, trong đó đã bổ sung 2 chương mới (Chương V: Thực hiện Kết luận thanh tra và chương VI: Phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra), lược bỏ chương VI về Thanh tra nhân dân trong Luật Thanh tra 2010.
Tại hội nghị, các đại biểu được nghe Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ Trần Văn Long giới thiệu một số nội dung chính và những điểm mới của Luật Thanh tra và các Nghị định quy định chi tiết.
Đồng thời, Hội nghị đã dành nhiều thời gian cho phần trả lời, giải đáp các ý kiến của đại biểu tham gia về những nội dung mà các đại biểu quan tâm, đặc biệt là đối với những nội dung hiểu chưa hết hoặc chưa đầy đủ về Luật Thanh tra 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Có 06 bộ, ngành, địa phương phát biểu với tổng số 18 câu hỏi vướng mắc trong thực hiện các quy định về thanh tra và cơ bản đã được giải đáp làm rõ. Cụ thể, các đại biểu đã đưa ra những ý kiến, thắc mắc xung quanh những nội dung về thẩm quyền của đoàn thanh tra, thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra, chức năng thanh tra chuyên ngành, quy định về trưởng đoàn thanh tra, xử lý chồng chéo…
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục có những hoạt động tuyên truyền, phổ biến tập huấn Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành đến cán bộ, công chức để giúp hiểu rõ hơn đúng và đầy đủ hơn các quy định nhất là những điểm mới về chức năng thẩm quyền của người tiến hành thanh tra tạo cơ sở thực hiện có hiệu quả các hoạt động thanh tra trong thời gian tới.
Nguồn: https://thanhtra.gov.vn/web/guest/rss/-/asset_publisher/9o9NiJxEaxfK/content/id/6586711