Sáng 15/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị trực tuyến về công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 với 63 điểm cầu các tỉnh, thành trên cả nước. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đồng chủ trì.
Dự hội nghị tại điểm cầu Cao Bằng có đồng chí Nguyễn Trung Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023; các thành viên Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.
Tính đến ngày 15/6, cả nước có tổng số 1.024.063 thí sinh đăng ký dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, trong đó có 47.769 thí sinh chỉ đăng ký xét tốt nghiệp, 34.155 thí sinh chỉ xét tuyển sinh đại học, 943.340 thí sinh đăng ký xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được tổ chức cơ bản giữ ổn định như năm 2022. Bộ GD&ĐT chỉ đạo chung, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì toàn bộ công tác tổ chức thi tại địa phương. Theo kế hoạch, các hội đồng tổ chức coi thi từ ngày 27 – 30/6, chấm thi từ ngày 1/7, công bố kết quả thi vào 8h00 ngày 18/7 và hoàn thành xét công nhận tốt nghiệp THPT chậm nhất vào ngày 20/7/2023.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã ban hành đầy đủ, kịp thời các quy định, văn bản hướng dẫn tổ chức kỳ thi; triển khai tập huấn đầy đủ nghiệp vụ tổ chức thi, công tác đăng ký dự thi và nghiệp vụ sử dụng phần mềm quản lý kỳ thi; lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra, tập huấn kỹ và chủ động triển khai đến các địa phương; phối hợp cơ bản, đồng bộ, nhịp nhàng với các bộ, ban, ngành, địa phương chuẩn bị cho kỳ thi. Công tác ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu của kỳ thi được thực hiện hiệu quả, kịp thời, tạo thuận lợi cho thí sinh và các bên liên quan. Bộ hoàn thành việc rà soát ma trận của 15 môn thi; rà soát, biên tập, hoàn thiện ngân hàng câu hỏi thi để chuẩn bị cho hội đồng ra đề thi; ban hành hướng dẫn quy trình ra đề thi để thực hiện soạn thảo, thẩm định, tinh chỉnh đề thi, đáp án. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương huy động các sở, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương phối hợp chuẩn bị các điều kiện tổ chức kỳ thi.
Tại hội nghị, các đại biểu trao đổi, thảo luận về công tác tổ chức kỳ thi, trọng tâm là đảm bảo an ninh, an toàn; công tác thanh tra, kiểm tra, tập huấn cho cán bộ coi thi; tổ chức in, sao, vận chuyển, bảo quản đề thi, bài thi; ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để phục vụ các công tác của kỳ thi;… đảm bảo kỳ thi đạt hiệu quả cao nhất.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh cần thống nhất tinh thần không chủ quan, lơ là, bảo đảm mục tiêu kép, đó là kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc, công bằng, khách quan, chất lượng; bảo đảm an toàn cao nhất cho lực lượng tổ chức thi, thí sinh và các đối tượng có liên quan. Đề nghị các địa phương đảm bảo điều kiện về nhân sự, cơ sở vật chất, đặc biệt ưu tiên trang thiết bị, kỹ thuật phục vụ kỳ thi; chủ động phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ đạo kỳ thi tại địa phương phối hợp chặt chẽ, đúng người, đúng việc, rõ trách nhiệm trong tất cả các khâu.
Các địa phương không được chủ quan, phải chuẩn bị kỹ để không xảy ra sự cố, chú ý vấn đề in, sao đề thi; chủ động xây dựng phương án dự phòng và các kịch bản để tổ chức kỳ thi khi có các tình huống bất thường về thiên tai, dịch bệnh hoặc các vấn đề khác thường phát sinh hoặc dự báo có thể phát sinh. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông đầy đủ, chính xác, kịp thời về công tác chỉ đạo, chuẩn bị kỳ thi một cách sâu rộng…
Thùy Linh