Ngay từ đầu năm, ngành tài chính đã quyết tâm, nỗ lực phấn đấu, tập trung thực hiện đầy đủ, đồng bộ các giải pháp tài chính – ngân sách đã đề ra, điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Thanh Hóa.
Sáng 13-7, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tài chính – ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ tài chính – ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm 2023. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái dự và chỉ đạo hội nghị.
Tham dự tại điểm cầu Thanh Hóa có đồng chí Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, từ đầu năm, ngành tài chính đã quyết tâm, nỗ lực phấn đấu, tập trung thực hiện đầy đủ, đồng bộ các giải pháp tài chính – ngân sách đã đề ra, điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Tăng cường công tác quản lý thu, chi ngân sách; kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách Nhà nước và nợ công trong phạm vi Quốc hội cho phép; kiểm soát giá cả, thị trường; siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, góp phần quan trọng thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2023, giữ ổn định kinh tế, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế vĩ mô.
Thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2023 đạt 875,8 nghìn tỷ đồng, bằng 54% dự toán; chi ngân sách Nhà nước ước đạt 804,6 nghìn tỷ đồng, bằng 38,8% dự toán. Cân đối ngân sách Trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Lũy kế đến ngày 30-6-2023, đã thực hiện phát hành 179,9 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 12,23 năm, lãi suất bình quân 3,7%/năm.
Ngành tài chính đã kịp thời có giải pháp chấn chỉnh, tăng cường quản lý Nhà nước để ổn định, phát triển đồng bộ thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; ban hành các chính sách giảm thuế, phí để góp phần kìm hãm đà tăng và bình ổn giá cả, thị trường phù hợp với tình hình kinh tế, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất – kinh doanh.
Các chỉ tiêu an toàn nợ công được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững và ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp tiếp tục cơ cấu lại nợ công; phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn dài. Thực hiện trả đầy đủ, đúng hạn các khoản nợ theo cam kết.
Song song với những kết quả đạt được nêu trên, Bộ Tài chính đã chú trọng công tác điều hành giá cả, thị trường phù hợp với tình hình thực tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh, kiểm soát lạm phát, ổn định đời sống của người dân. Tăng cường quản lý Nhà nước đối với thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm.
Nhờ các kết quả đạt được trong quá trình khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội, Việt Nam được cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P, Moody’s và Fitch tiếp tục đánh giá xếp hạng tín nhiệm quốc gia ở mức “Triển vọng ổn định”. Đây là những tín hiệu tích cực, khẳng định sự đánh giá cao của các tổ chức quốc tế về khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế và việc ban hành thực hiện các chính sách linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ.
Đánh giá cao nỗ lực của ngành tài chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị tiếp tục phân tích, dự báo kịp thời, diễn biến tình hình, có các giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn. Đồng thời tập trung xử lý những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, điều hành mở rộng chính sách hợp lý; thực hiện hiệu quả các chính sách tài khóa tiền tệ đã ban hành. Quyết liệt trong cân đối thu chi ngân sách Nhà nước. Tiếp tục các giải pháp điều hành, bình ổn giá trên thị trường; ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý thuế đối với dịch vụ ăn uống.
Đề nghị ngành tài chính tiếp tục nghiên cứu chính sách tài khóa, đặc biệt về thuế, phí để trình cấp có thẩm quyền nhằm tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Phối hợp hiệu quả chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ; phối hợp với các bộ, ngành cơ quan liên quan tập trung triển khai kịp thời trọng tâm, trọng điểm các giải pháp về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ. Tập trung rà soát những “rào cản” gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, huy động và đầu tư toàn bộ nguồn lực để đất nước phát triển bền vững. Rà soát, cắt giảm bớt các thủ tục hành chính. Đề xuất, sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho phát triển kinh tế số, mô hình kinh tế mới, ứng dụng chuyển đổi số thương mại điện tử, ứng dụng số trong cung cấp dịch vụ công và xử lý thủ tục hành chính…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi phát biểu tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa sau hội nghị trực tuyến toàn quốc.
Ngay sau kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, phát biểu sau hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi yêu cầu các sở, ngành liên quan khai thác tốt các nguồn thu, nguồn thu phát sinh trên địa bàn. Thực hiện tốt nhiệm vụ cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí,… Phấn đấu hoàn thành vượt chỉ tiêu tăng trưởng năm 2023 đã đề ra.
Đồng thời, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc; rà soát sắp xếp các nhiệm vụ chi, cắt giảm tối đa các khoản chi không cần thiết; triển khai thực hiện tốt thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan Nhà nước và toàn xã hội; ưu tiên nguồn lực cho các nhiệm vụ quan trọng…
Khánh Phương