Sáng 18-4, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị trực tuyến khối Công Thương địa phương về các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và xuất, nhập khẩu năm 2023. Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.
Tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa, đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu trên địa bàn tỉnh, dự hội nghị.
Đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện các ngành, DN tham dự hội nghị.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, suy giảm kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất, xuất khẩu trong nước do đơn hàng sụt giảm mạnh, thị trường tiêu thụ khó khăn. Trong quý 1- 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cả nước giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 6,8%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 2,4%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 1%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,8%; ngành khai khoáng giảm 4,5%. Có 48 địa phương có chỉ số IIP tăng và 15 địa phương có chỉ số IIP giảm so với cùng kỳ.
Cũng trong quý 1, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13,9% so với cùng kỳ. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt giảm 11,9% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 14,4%); trong đó khu vực DN trong nước giảm mạnh hơn (giảm 17,4%) so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (giảm 10%). Điều này cho thấy những khó khăn của các DN trong nước trong việc khôi phục sản xuất, kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu.
Đánh giá nguyên nhân suy giảm trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, trong quý 1, giá nhiên liệu đầu vào, năng lượng toàn cầu vẫn ở mức cao đã tác động đến chi phí sản xuất của DN trong nước. Lạm phát vẫn còn ở mức cao, chính sách tiền tệ vẫn chưa nới lỏng, kinh tế thế giới hồi phục chậm và sự sụp đổ của một số ngân hàng trên thế giới có những tác động nhất định đến xu hướng thắt chặt chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ tại Mỹ, EU, khiến nhu cầu nhập khẩu giảm. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam.
Bên cạnh đó, sức mua trong nước dù đã khôi phục nhưng vẫn còn yếu, chưa kích thích sản xuất, đầu tư và tiêu dùng; thiếu hỗ trợ, liên kết giữa thị trường nội địa. Sức ép lạm phát, lãi suất cao cũng đã ảnh hưởng đến tiêu dùng các sản phẩm xa xỉ, như ô tô và các sản phẩm thông thường như may mặc, giày dép,… Các DN gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng, đặc biệt là các DN trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang ở trong bối cảnh rất khó khăn do thiếu đơn hàng, khả năng hấp thụ vốn đã bắt đầu giảm.
Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương đã báo cáo những khó khăn chủ yếu, như: Nguồn vốn cho vay sản xuất, kinh doanh vẫn khó tiếp cận, thị trường đầu ra của sản phẩm bị thu hẹp, số DN giải thể tăng, sản xuất điện gặp khó khăn. Đồng thời, các địa phương kiến nghị Bộ Công Thương có giải pháp hỗ trợ DN mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, thông tin thị trường hàng hóa xuất khẩu, xúc tiến thương mại, cắt giảm thủ tục hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Mặc dù trong quý 1-2023, kinh tế của cả nước vẫn tăng trưởng dương, nhưng không đạt được kế hoạch như kỳ vọng. Một số chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu giảm so với cùng kỳ. Ngoài những nguyên nhân khách quan do tình hình thế giới, có những nguyên nhân chủ quan quan trọng, như: Việc chậm công bố các quy hoạch ngành quốc gia là cản trở lớn trong quá trình thực hiện dự án đầu tư và mục tiêu tăng trưởng; một số luật và văn bản sau luật còn chồng chéo, khiến DN lúng túng; sự thiếu chuyên nghiệp trong xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu xuất khẩu; tiếp cận vốn khó khăn, thị trường bất động sản trầm lắng, nhiều dự án đầu tư công chậm tiến độ khiến ngành sản xuất vật liệu xây dựng gặp khó, tỷ lệ tồn kho nhiều,…
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tai hội nghị.
(Ảnh: Báo Công Thương).
Với mục tiêu phấn đấu đạt kế hoạch dự kiến năm 2023: Chỉ số IIP tăng khoảng 8-9%; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước dự kiến tăng khoảng 8-9%; tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước dự kiến tăng 6% cùng kỳ, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết trong thời gian tới sẽ tổ chức làm việc với một số địa phương trọng điểm về công nghiệp để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất; tiếp tục tổ chức kết nối các DN trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các DN FDI và DN lớn toàn cầu; hỗ trợ DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa phục hồi, phát triển.
Cùng với đó, Bộ sẽ tiếp tục rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp và thương mại đồng bộ từ trung ương đến địa phương, bảo đảm khả thi, phù hợp với các FTA đã ký kết. Đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cơ cấu lại ngành Công Thương dựa trên nền tảng của khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phát triển thương mại nội địa, các chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước để kết nối giữa sản xuất với thị trường, ưu tiên phát triển chuỗi cung ứng các mặt hàng nông sản, thực phẩm; khai thác có hiệu quả hơn sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế, bảo đảm môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho DN.
Đối với Thanh Hóa, trong quý 1-2023, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, tuy nhiên mức tăng trưởng không đạt kế hoạch. Tính chung quý 1-2023, chỉ số IIP tăng 4,55% so với cùng kỳ. Giá trị xuất khẩu ước đạt 939,4 triệu USD, giảm 20,6% so với cùng kỳ; giá trị nhập khẩu ước đạt 2.031,1 triệu USD, tăng 16%.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm triển khai một số giải pháp và giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, đơn vị nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các DN sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu.
Sau hội nghị trực tuyến của Bộ Công Thương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm đã triển khai một số giải pháp và giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, đơn vị nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các DN sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu.
Theo đó, yêu cầu Sở Công Thương tiếp tục nắm bắt khó khăn, vướng mắc, tham mưu cho UBND giải quyết các trở ngại liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu. Phối hợp với các đơn vị liên quan sâu sát hơn nữa trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN sản xuất; kịp thời báo cáo UBND tỉnh các vấn đề vượt thẩm quyền. Tạo mọi điều kiện khuyến khích các nhà máy, DN đang sản xuất và tiêu thụ hiệu quả nâng cao năng lực, mở rộng sản xuất góp phần nâng cao giá trị, sản lượng để bù đắp cho các dự án, mặt hàng gặp khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ; chú trọng làm tốt công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao mặt bằng sạch đúng tiến độ cam kết cho các nhà đầu tư triển khai dự án mới.
Minh Hằng