Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ngành tôm đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong suốt hai thập kỷ qua. Hiện nay, tôm Việt Nam xuất khẩu đến 100 quốc gia và vùng lãnh thổ với 5 thị trường lớn gồm châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Việt Nam trở thành nước cung cấp tôm đứng thứ ba thế giới với giá trị xuất khẩu chiếm 13-14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới. Hằng năm, ngành tôm đóng góp khoảng 40 – 45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, tương đương 3,5 – 4 tỷ USD.
Tại Nghệ An, ngành tôm được xác định là sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp. Hoạt động nuôi tôm hiện nay đang tập trung ở các địa phương là thị xã Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc và thành phố Vinh với khoảng 1.200 cơ sở nuôi. Diện tích nuôi hàng năm khoảng 1.600 ha. Sản lượng tôm 10.000 tấn/năm. Trong những năm qua, Nghệ An đã phát triển nhiều chính sách và chương trình hỗ trợ để phát triển nuôi trồng thủy sản, trong đó, tập trung vào các mô hình liên kết sản xuất nhằm giảm thiểu rủi ro, tăng tính bền vững và nâng cao thu thập thông tin cho người dân. Tuy nhiên, quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, vùng sản xuất còn phân tán, liên kết vùng yếu, phần lớn các doanh nghiệp chế biến là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hạn chế về năng lực sản xuất, thiếu vốn, cơ sở vật chất công nghệ…
Theo ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia, để phát triển liên kết, hợp tác ngành tôm ngày càng hiệu quả hơn, trong thời gian tới, các địa phương trong cả nước cần phát triển các mô hình hợp tác, liên kết dựa trên việc tổ chức các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, phân tán thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, chi hội nghề nghiệp để tạo ra các vùng sản xuất nguyên liệu lớn; Tập trung, làm đầu mối liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, giảm bớt các khâu trung gian. Nuôi tôm nước lợ đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn, đặc biệt tại các tỉnh ven biển.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội lớn, ngành tôm cũng đối mặt với nhiều thách thức như sự biến động của thị trường, dịch bệnh và yêu cầu về chất lượng sản phẩm ngày càng cao. Chính vì vậy, việc xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết, hợp tác sản xuất là rất cần thiết, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam, đảm bảo đầu ra ổn định cho người nuôi tôm và bảo vệ môi trường.
Tại Hội nghị, Cục Thủy sản đã đưa ra các giải pháp tập trung để giải quyết những vướng mắc trong phát triển ngành tôm Việt Nam. Trong đó, có các giải pháp chính như: về chính sách đất đai, dồn điền đổi thửa, chính sách về tài chính, tín dụng; phát triển các mô hình hợp tác, liên kết; Nghiên cứu, hình thành các doanh nghiệp trong nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm tôm theo vùng sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất và giá trị sản phẩm; Tăng cường công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ…
Để nhân rộng mô hình tổ chức liên kết, hợp tác sản xuất trong ngành tôm, các nhà quản lý, nhà khoa học, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác đã cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin, xây dựng mối liên kết bền vững về ngành tôm. Từ đó đưa ra những giải pháp để ngành tôm phát triển bền vững trong những năm tới./
Nguồn: https://www.mard.gov.vn/Pages/hoi-nghi-tong-ket-nhan-rong-mo-hinh-to-chuc-lien-ket-hop-tac-san-xuat-trong-nganh-tom.aspx?item=4