Hội nghị thượng đỉnh Tương lai 2024 là cơ hội quan trọng để đưa thế giới thoát khỏi khủng hoảng và bế tắc, đồng thời phản ánh những nỗ lực cải tổ Liên hợp quốc (LHQ).
Đó là nhận định của ông Hoàng Siêu* trong bài viết 振兴联大、使安理会更有效、讨论AI挑战:联合国未来峰会应对时代巨变_tạm dịch: Chấn hưng Đại hội đồng LHQ, nâng cao hiệu quả của Hội đồng bảo an, thảo luận về thách thức của AI: Hội nghị thượng đỉnh Tương lai ứng phó với những thay đổi lớn của thời đại được đăng tải trên The Paper ngày 22/9.
Bài viết của tác giả Hoàng Siêu đăng tải trên The Paper ngày 22/9. (Ảnh chụp màn hình) |
Hiện nay, thế giới đang đứng trước nhiều ngã rẽ. Các mối đe dọa như khủng hoảng khí hậu, các cuộc xung đột, an ninh lương thực, vũ khí hủy diệt hàng loạt, khủng hoảng y tế, cùng các rủi ro liên quan đến công nghệ mới ngày càng gia tăng.
Vào tháng 9/2021, Tổng Thư ký LHQ António Guterres đưa ra Báo cáo “Chương trình Nghị sự chung của chúng ta”, kêu gọi đẩy nhanh việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Một trong những đề xuất quan trọng nhất của Báo cáo là việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Tương lai nhằm thống nhất các biện pháp thực hiện các cam kết đã đưa ra.
Tháng 9/2022, Đại hội đồng thông qua nghị quyết A/RES/76/307, quyết định tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Tương lai từ 22-23/9 với chủ đề “Giải pháp đa phương vì một tương lai tốt đẹp hơn”.
Các vấn đề cốt lõi
Hội nghị thượng đỉnh Tương lai lần này xoay quanh 5 vấn đề chính: Phát triển bền vững và tài trợ cho phát triển, hòa bình và an ninh quốc tế, đổi mới khoa học công nghệ và hợp tác số, thanh niên và thế hệ tương lai, cải tổ quản trị toàn cầu.
Tính đến năm 2023, ở những nước đang phát triển, khoảng cách đầu tư cho các mục tiêu phát triển bền vững ước tính khoảng 4.000 tỷ USD/năm, tăng 60% so với năm 2019. Các nước đang phát triển cũng ngày càng khó khăn trong việc thu hẹp khoảng cách tài chính và cần thêm nguồn lực cũng như không gian tài chính để đạt được các mục tiêu này. Hiệp ước Tương lai đề xuất các chương trình hành động, chính sách và đầu tư nhằm thay đổi cách thức tài trợ cho các mục tiêu phát triển bền vững.
Đặc biệt, trong bối cảnh bạo lực gia tăng, từ năm 2022-2023, số người thiệt mạng bởi các cuộc xung đột tăng 72%. Hiệp ước Tương lai chỉ rõ, cấu trúc an ninh quốc tế đang trải qua những biến đổi sâu sắc, cần phải xây dựng một hệ thống an ninh tập thể mới nhằm ngăn chặn, quản lý và giải quyết tốt hơn các xung đột truyền thống lẫn mới nổi. Cần tăng cường hơn nữa hợp tác giữa các quốc gia và toàn cầu nhằm ngăn ngừa xung đột, bảo vệ dân thường, hướng tới một thế giới phi hạt nhân, ngăn chặn quá trình vũ khí hóa các lĩnh vực và công nghệ mới.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Tương lai. (Nguồn: Liên hợp quốc) |
Bên cạnh đó, Hiệp ước Tương lai nhấn mạnh, công nghệ số và các công nghệ mới nổi, bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), đang tạo ra những thay đổi mạnh mẽ trên thế giới, mở ra tiềm năng lớn cho sự phát triển của nhân loại.
Tuy nhiên, khoảng cách kỹ thuật số giữa các quốc gia cũng ngày càng tăng, vì vậy cần tăng cường trao đổi chính sách, chia sẻ kiến thức, hỗ trợ công nghệ và nguồn tài trợ để các quốc gia đang phát triển nâng cao năng lực khoa học, công nghệ và đổi mới.
Hiệp ước kỹ thuật số toàn cầu thảo luận về những cơ hội và rủi ro mà các công nghệ mới nổi mang lại, bao gồm AI. Hiệp ước này đề ra 5 mục tiêu chính: xóa bỏ khoảng cách kỹ thuật số, nâng cao tính bao trùm của kinh tế số, xây dựng không gian số an toàn và cởi mở, thúc đẩy quản trị kỹ thuật số công bằng, tăng cường quản lý quốc tế đối với các công nghệ mới. Qua đó, đảm bảo AI và công nghệ số được sử dụng một cách bình đẳng, xoá bỏ khoảng cách kỹ thuật số giữa các quốc gia cũng như ngăn việc lạm dụng công nghệ số.
Hiệp ước Tương lai cũng khẳng định vai trò của thanh niên, kêu gọi tăng cường sự tham gia có hệ thống, hiệu quả của giới trẻ vào các quá trình ra quyết định của quốc gia và quốc tế, thúc đẩy cơ hội bình đẳng cho thanh niên. Tuyên bố về các vấn đề của thế hệ tương lai cam kết xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử giới tính, thúc đẩy đa dạng văn hóa, đầu tư vào giáo dục chất lượng cao cho các thế hệ sau.
Hiệp ước Tương lai nhận định, hệ thống đa phương được hình thành sau Thế chiến II đang phải đối mặt với áp lực lớn chưa từng có và cần cải tổ quản trị toàn cầu để làm mới hệ thống này.
Trong lĩnh vực an ninh quốc tế, LHQ cần chú trọng vào các đường lối đối ngoại trước xung đột và cung cấp cứu trợ nhân đạo sau xung đột, khắc phục những hạn chế trong việc giải quyết bất đồng giữa những cường quốc.
Ngoài ra, cần tăng cường kết nối giữa LHQ với Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhằm kết nối dòng vốn toàn cầu với các nỗ lực xây dựng hòa bình quốc tế.
Đặc biệt, cần thúc đẩy hệ thống Bretton Woods để tăng cường tiếng nói cho các nước đang phát triển, thu hẹp khoảng cách tài chính, thúc đẩy xóa nợ, củng cố mạng lưới an ninh tài chính và kêu gọi các quốc gia phát triển thực hiện cam kết tài trợ cho khí hậu.
Nỗ lực theo kịp thời đại
Bên cạnh việc hoạch định “tương lai” nhằm ứng phó với các thách thức toàn cầu và khôi phục chủ nghĩa đa phương, Hội nghị thượng đỉnh Tương lai còn phản ánh nỗ lực của chính LHQ để thích ứng với diễn biến thế giới hiện nay.
Năm 1945, LHQ ra đời với sứ mệnh duy trì hòa bình, an ninh quốc tế. Trải qua 80 năm đầy biến động, giờ đây, thế giới “khoác lên mình một bộ cánh mới” buộc tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này phải đối mặt với nhiều thách thức mang tính thời đại hơn. Hiện nay, sự cạnh tranh và đối địch giữa các cường quốc đã hạn chế vai trò của LHQ. Hội nghị thượng đỉnh hòa bình năm 2024 tại Geneva đặt ra câu hỏi về vai trò của LHQ và Hội đồng Bảo an trong vấn đề hòa bình, an ninh quốc tế.
Bên cạnh đó, các vấn đề toàn cầu diễn biến nhanh chóng khiến cơ chế và tổ chức của LHQ khó có thể ứng phó hiệu quả. Cụ thể, vấn đề biến đổi khí hậu ngày càng trở nên cấp bách, bên cạnh những rủi ro từ trí tuệ nhân tạo.
Vào thời điểm LHQ ra đời, các quốc gia đang phát triển chủ yếu tập trung duy trì nền độc lập và tự chủ. Tuy nhiên, sau 80 năm, các quốc gia mong muốn có tiếng nói trong những tổ chức đa phương lớn, nhằm thúc đẩy công bằng và công lý trong quản trị toàn cầu.
Giờ đây, thế giới “khoác lên mình một bộ cánh mới”, buộc LHQ phải đối mặt với nhiều thách thức mang tính thời đại hơn. (Nguồn: The Paper) |
Đối mặt với những thay đổi và thách thức này, LHQ cần tìm cách duy trì hiệu quả trong hoạt động, Hội nghị thượng đỉnh Tương lai là nỗ lực táo bạo để chuyển mình. Trước hết, LHQ thúc đẩy “chuyển hướng tương lai” với 3 trụ cột chính, xem các vấn đề như biến đổi khí hậu, trí tuệ nhân tạo và công nghệ số là những ưu tiên hàng đầu. Hội nghị này không chỉ dự đoán và hình dung tương lai mà còn đưa các yếu tố quan trọng vào chương trình nghị sự của LHQ.
LHQ cũng đang nỗ lực cải tổ và trao quyền nhiều hơn cho các nước đang phát triển. Mục tiêu cốt lõi tầm nhìn UN 2.0 là hiện đại hóa hệ thống LHQ bằng các công nghệ tiên tiến và đổi mới văn hóa. Qua đó, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng năng lực ở các lĩnh vực như dữ liệu, đổi mới, số hóa, dự báo và khoa học hành vi.
Ngoài ra, Hiệp ước Tương lai cũng đưa ra một loạt các biện pháp nhằm tăng cường hiệu quả cho LHQ, bao gồm chấn hưng Đại hội đồng, cải thiện hiệu quả của Hội đồng Bảo an, củng cố Hội đồng Kinh tế Xã hội, tăng cường hoạt động của Ủy ban Xây dựng hòa bình. Các nỗ lực này đều hướng tới cải tổ và nâng cấp LHQ.
Hiệp ước Tương lai còn tập trung cải cách hệ thống quản trị tài chính quốc tế, đặc biệt là các tổ chức tài chính quốc tế và ngân hàng phát triển đa phương như IMF và WB. Từ đó, tăng tính đại diện cho các nước đang phát triển, giúp các nước này có được nguồn vốn hợp lý.
Trong bối cảnh thế giới đầy rẫy phức tạp, Hiệp ước Tương lai không chỉ là lời kêu gọi mà còn là kế hoạch hành động cụ thể để tái khẳng định vai trò của LHQ trong việc xây dựng một thế giới hòa bình, công bằng và bền vững. Việc tập trung vào các vấn đề như phát triển bền vững, công nghệ số và vai trò của thanh niên phản ánh tầm nhìn tương lai, nhấn mạnh vai trò của sự hợp tác toàn cầu.
Chỉ khi các quốc gia cùng nhau đứng lên và đổi mới, thế giới mới có thể vượt qua những thách thức hiện tại, hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn cho nhân loại. Hội nghị thượng đỉnh Tương lai 2024 thực sự là cơ hội quý báu để các bên tham gia thảo luận, chia sẻ và đồng lòng nhìn về một tương lai đầy triển vọng.
* Ông Hoàng Siêu là nhà nghiên cứu kinh tế thế giới tại Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, Trung Quốc.
Nguồn: https://baoquocte.vn/chuyen-gia-trung-quoc-hoi-nghi-thuong-dinh-tuong-lai-duoc-ky-vong-dap-ung-nhung-thay-doi-lon-cua-thoi-dai-287523.html