Ngay sau Lễ khai mạc, Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 tiến hành Phiên thảo luận thứ nhất về “chuyển đổi số” dưới sự điều hành của Chủ tịch Nghị viện Tonga, Thành viên Ban Lãnh đạo Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU Lord Fakafanua.
Đoàn chủ tịch Hội nghị. Ảnh: Lâm Hiển
Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã nghe Chủ tịch Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU, Hạ nghị sĩ, Vương quốc Anh Dan Carden; Nghị sĩ Mexico, Chủ tịch Diễn đàn Nữ nghị sĩ IPU Cynthia Lopez Castro; ĐBQH Lưu Bá Mạc… chia sẻ thông tin, kinh nghiệm liên quan đến chủ đề “chuyển đổi số”, sự quan tâm, ủng hộ của Chính phủ, Nghị viện các nước trong phát triển năng lực chuyển đổi số cho thế hệ trẻ, trong đó có các nghị sĩ trẻ – những người trực tiếp tham gia vào tiến trình lập pháp chính sách, pháp luật nói chung và lĩnh vực chuyển đổi số nói riêng.
Các đại biểu nhất trí cho rằng, chuyển đổi số đã và đang tác động đến quá trình phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia. Và không một quốc gia nào có thể đứng ngoài tiến trình này nếu không muốn bị bỏ lại phía sau. Chuyển đổi số giúp thay đổi cách vận hành nền kinh tế, tăng mạnh năng suất lao động, tạo các động lực mới cho tăng trưởng kinh tế; giúp các cơ quan nhà nước hoạt động ngày càng minh bạch, hiệu quả hơn, giúp thu hẹp khoảng cách phát triển.
Phiên thảo luận đã tập trung làm rõ những hướng đi nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhằm tăng cường các cơ hội phát triển kinh tế bền vững; Chia sẻ kinh nghiệm của nghị viện các nước trong công tác lập pháp, giám sát và vai trò của các nghị sỹ trẻ nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4IR).
Ủy viên Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lưu Bá Mạc phát biểu
Phát biểu tại phiên thảo luận, Ủy viên Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lưu Bá Mạc đặc biệt nhấn mạnh: Chuyển đổi số là cuộc cách mạng về chính sách và thể chế nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. Quá trình chuyển đổi số đang diễn ra ở các quốc gia với các mức độ khác nhau cho thấy yếu tố nền tảng quan trọng nhất cho quá trình chuyển đổi số đó là phải hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm thúc chuyển đổi số, đảm bảo tính bao trùm và phát triển bền vững, lấy người dân làm trung tâm, bao gồm thúc đẩy hạ tầng số, hệ sinh thái số, các giải pháp hiệu quả gắn kết chuyển đổi số với phát triển bền vững và không bỏ lại ai ở phía sau.
Cũng tại phiên thảo luận, các nghị sĩ đã chia sẻ những tiến bộ đạt được trong việc số hóa các hoạt động của nghị viện vì sự phát triển bền vững; đề xuất các chính sách và giải pháp, nhất là hoàn thiện thể chế về đổi mới, thử nghiệm các mô hình mới, triển khai các ứng dụng mới, các nền tảng số để tăng tốc chuyển đổi số; phổ cập kết nối số, nâng cao nhận thức số, văn hóa số và kỹ năng số cho người dân, thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số và bảo đảm tiếp cận công nghệ công bằng hướng tới mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau trong môi trường số, bảo đảm phát triển bền vững.
Quang cảnh Phiên thảo luận thứ nhất về “chuyển đổi số”. Ảnh: Lâm Hiển
Các đại biểu cho rằng, đại dịch Covid-19 cũng buộc các cơ quan, trong đó có cả cơ quan nghị viện phải tìm ra những phương thức mới để thực hiện các công việc của mình. Một số cơ quan lập pháp như Quốc hội Brazil đã thành công trong việc thúc đẩy Quốc hội số, Quốc hội không giấy tờ… như một phương thức quan trọng để bảo vệ môi trường.
daibieunhandan.vn