(CLO) Cơ quan hàng đầu của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu đang phải đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách nghiêm trọng, điều có thể làm suy yếu hội nghị quốc tế về khí hậu COP29 năm nay
Theo phân tích của Reuters về các tài liệu từ Liên hợp quốc, Ban thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) đang có khoản thâm hụt ngân sách ít nhất là 57 triệu euro cho năm 2024, tương đương gần một nửa số tiền cần thiết để tiến hành các cuộc đàm phán về khí hậu hàng năm và hỗ trợ thực hiện các thỏa thuận được đưa ra.
Ngân sách được đặt ra cho UNFCCC kéo dài trong hai năm. Tổng ngân sách 2024-2025 của cơ quan này là 240 triệu euro, với khoảng một nửa trong số đó dự kiến sẽ được phân bổ cho năm nay.
Các quốc gia thành viên của UNFCCC đã ký vào ngân sách và dự kiến sẽ đóng góp quỹ. Ngân sách bao gồm một quỹ cốt lõi mà các quốc gia có nghĩa vụ đóng góp, một quỹ bổ sung thu hút các khoản đóng góp tự nguyện và một quỹ tự nguyện khác để giúp các nhà ngoại giao từ các quốc gia nghèo hơn tham dự các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên hợp quốc.
Trong khi một số ít quốc gia như Nhật Bản và Đức đã vượt quá nghĩa vụ đóng quỹ, những quốc gia khác, đáng chú ý là Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và là những nước phát thải khí nhà kính hàng đầu, vẫn chưa đạt hoàn thành nghĩa vụ. Các khoản đóng góp phải được nộp vào ngày 1/1 hàng năm.
Ban thư ký, được thành lập theo hiệp ước UNFCCC năm 1992, là cơ quan quan trọng nhất thế giới trong việc điều phối các nỗ lực quốc tế nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và tổ chức các hội nghị thượng đỉnh nơi các quốc gia có thể cùng nhau chịu trách nhiệm.
Việc thiếu hụt ngân sách đã buộc tổ chức này phải cắt giảm các hoạt động, từ việc giảm giờ hoạt động của hội nghị tại trụ sở chính ở Bonn, Đức, đến việc hủy bỏ các sự kiện “tuần lễ khí hậu” khu vực trong năm nay.
“Chúng tôi vẫn tiếp tục làm việc không ngừng nghỉ, nhưng nguồn lực của chúng tôi đang ngày càng quá tải”, một phát ngôn viên của UNFCCC cho biết.
Đặc phái viên về khí hậu của Đức Jennifer Morgan kêu gọi các nước tìm ra giải pháp. “Chúng ta cần một ban thư ký khí hậu có thể thực hiện chức năng của mình. Chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lớn trên toàn thế giới”, bà Morgan nói.
Tính đến tháng này, UNFCCC đã nhận được 63 triệu euro tiền đóng góp cho năm 2024. Tính đến tháng 10, Mỹ vẫn còn nợ 7,3 triệu euro cho ngân sách cốt lõi năm 2024 của UNFCCC, mặc dù đã đóng góp 2,5 triệu euro vào ngân sách bổ sung. Trung Quốc vẫn còn nợ 5,6 triệu euro cho ngân sách cốt lõi, mặc dù đã đóng góp 497.000 euro vào quỹ bổ sung.
Ngân sách của UNFCCC đã tăng gấp đôi so với mức khoảng 102 triệu euro trong giai đoạn 2014 và 2015 trong bối cảnh có nhiều thỏa thuận toàn cầu mới về khí hậu.
UNFCCC xác nhận rằng có khoản thiếu hụt 2,2 triệu USD trong quỹ dùng để chi trả cho hàng trăm nhà ngoại giao tham dự các cuộc đàm phán về khí hậu, bao gồm hội nghị thượng đỉnh COP29 vào tháng tới tại Baku, Azerbaijan.
Nhà đàm phán khí hậu hàng đầu của Ai Cập Mohamed Nasr cho biết bất kỳ hành động không tài trợ cho ngân sách của UNFCCC đều có nghĩa là “tạo ra không gian để làm suy yếu hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trên toàn cầu”.
Ngọc Ánh (theo Reuters)
Nguồn: https://www.congluan.vn/hoi-nghi-khi-hau-cop29-bi-de-doa-boi-tinh-trang-thieu-hut-ngan-sach-post318580.html