Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khoá XV khai mạc ngày 22-5. Dự kiến Quốc hội làm việc trong 22 ngày theo hình thức tập trung, chia thành 2 đợt. Quốc hội dự kiến xem xét, thông qua 8 luật, 3 nghị quyết quy phạm pháp luật và cho ý kiến về 9 dự án luật khác; đồng thời, xem xét, quyết định công tác nhân sự ngay đầu kỳ họp.
Cùng với đó, Quốc hội cũng sẽ xem xét các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; xem xét báo cáo của một số cơ quan; xem xét, quyết định chủ trương đầu tư một số dự án quan trọng quốc gia.
Quốc hội tiến hành giám sát tối cao việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; quyết định Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, khối lượng công việc của Kỳ họp thứ Năm rất nặng, cả về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia với dự kiến Quốc hội sẽ xem xét, thông qua hơn 20 luật, nghị quyết. Trong đó, nhiều nội dung lớn, khó và nhạy cảm như các nội dung của dự án Luật Đất đai (sửa đổi), dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)…
Cùng với đó, một số nội dung sẽ trình xin ý kiến Quốc hội có đồng ý đưa vào chương trình hay không, nếu Quốc hội đồng ý thì dự kiến nội dung trình Quốc hội sẽ nhiều hơn, thời gian Kỳ họp sẽ dài hơn. Do đó, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, công tác chuẩn bị tổ chức kỳ họp phải hết sức kỹ lưỡng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng báo cáo Quốc hội tổ chức kỳ họp thành 2 đợt để các cơ quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các nội dung trình Quốc hội.
Lưu ý một số nội dung chậm gửi đến cơ quan thẩm tra và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ảnh hưởng đến việc thực hiện các quy trình tiếp theo; một số nội dung quan trọng trình Quốc hội đến nay các bộ cũng chưa thống nhất quan điểm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, với những vấn đề lớn, khó, còn ý kiến khác nhau thì cơ quan trình, các bộ, ngành phải thảo luận kỹ lưỡng, thống nhất được với nhau thì mới thuyết phục được Quốc hội.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hội nghị lần này tiếp tục thể hiện sự phối hợp hoạt động nhịp nhàng, chặt chẽ giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự Đảng Chính phủ.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ nhận khuyết điểm và mong nhận được sự chia sẻ của Quốc hội về một số nội dung tài liệu, báo cáo gửi chậm. Lý do là bởi đây đều là nội dung rất khó, Chính phủ vừa phải bảo đảm tiến độ nhưng đồng thời cũng phải bảo đảm chất lượng, nhiều nội dung phải thảo luận, cho ý kiến nhiều lần để đi đến thống nhất.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ đang rất nỗ lực nhằm nâng cao chất lượng các dự án luật, nghị quyết và các tài liệu trình Quốc hội. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị, trong quá trình xây dựng pháp luật, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kịp thời trao đổi lại với Chính phủ nếu phát hiện các nội dung có thể dẫn đến tiêu cực, lợi ích nhóm vì cơ quan trình khi soạn thảo có thể cũng chưa hình dung được hết.
Liên quan đến vấn đề tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng chỉ rõ, hiện nay, bội chi ngân sách vẫn đang được kiểm soát ở dưới ngưỡng cho phép của Quốc hội, chúng ta vẫn còn dư địa để khai thác, góp phần thúc đẩy tăng trưởng trên cả 3 động lực tiêu dùng, đầu tư công và xuất khẩu. Tuy nhiên, động lực xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn do tổng cầu cả thế giới giảm. Điều này dẫn tới doanh nghiệp bị mất nhiều hợp đồng, người lao động không có việc để làm. Trong bối cảnh đó, nhiều địa phương đề xuất được tự đầu tư công với các công trình giao thông địa phương rất cần thiết bằng ngân sách địa phương. Thủ tướng cũng nêu kiến nghị tách giải phóng mặt bằng khỏi dự án đầu tư để giải phóng ách tắc, giải phóng nguồn lực.
Về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cho rằng, cần thay đổi một số chính sách, song Thủ tướng cũng nêu thực tế, trong bối cảnh hiện nay, do các nước thực hiện chủ trương chung là thu tiền về để chống lạm phát, nên đầu tư ở các nước cũng đều bị giảm sút chứ không chỉ riêng Việt Nam.
Riêng về thiết kế chính sách thích ứng với thuế tối thiểu toàn cầu, Thủ tướng cho biết đã giao Bộ Tài chính triển khai trên tinh thần dứt khoát phải thực hiện. Tháng 4 vừa qua, Bộ Tài chính đã tổ chức hội thảo quốc tế về nội dung này.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trên tinh thần tập trung, thẳng thắn, cầu thị, trao đi đổi lại, hội nghị đã thống nhất nhiều vấn đề, đến nay, các nội dung cơ bản của kỳ họp đã được chuẩn bị hoàn tất. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ để bảo đảm tổ chức thành công kỳ họp quan trọng này.
Tin, ảnh: CHIẾN THẮNG