Trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20 năm nay, Ấn Độ hy vọng có thể đạt được đồng thuận về cải tổ các ngân hàng đa phương, tạo ra nguyên tắc chỉ đạo toàn cầu về tiền điện tử và đẩy nhanh nghị quyết về tình trạng nợ của các quốc gia dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine tiếp tục phủ bóng lên ngoại giao toàn cầu.
“Tất cả chương trình nghị sự của chúng tôi đã được bàn bạc”, một quan chức Chính phủ Ấn Độ giấu tên cho biết sau khi dự ngày cuối cùng của hội nghị tại thành phố Gandhinagar.
Vị quan chức cho biết, phương Tây, nhất là Mỹ, Anh, Đức và Pháp, tiếp tục thúc ép phải cứng rắn với Nga, nhưng Nga và Trung Quốc phản đối.
Cũng theo quan chức này, nước chủ nhà Ấn Độ không thể đưa ra một dự thảo tuyên bố chung mà tất cả các thành viên chấp nhận được, vì một số nước khăng khăng đòi đưa nội dung kêu gọi chấm dứt xung đột vào văn bản, trong khi Nga gọi chiến dịch của họ là “chiến dịch quân sự đặc biệt”.
Ấn Độ vẫn giữ quan điểm trung lập, từ chối đứng về phía phương Tây để lên án Nga, đồng thời thúc giục các bên tìm giải pháp ngoại giao và tiếp tục mua dầu mỏ từ Nga.
Ngày 17/7, một quan chức Ấn Độ nói với báo chí rằng việc làm trung gian hòa bình giữa Nga và Ukraine không phải nhiệm vụ của G20, mà đó là công việc phù hợp nhất của Liên hợp quốc và thương lượng song phương.
Đầu tuần này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết, sự ủng hộ của Washington dành cho Ukraine là rõ ràng, và mục tiêu cốt lõi của họ trong năm nay là chống lại những nỗ lực của Nga nhằm tránh các lệnh trừng phạt.
Hội nghị diễn ra tại bang Gujarat lần này là hội nghị tài chính lần thứ 3 của G20 trong nhiệm kỳ chủ tịch của Ấn Độ. New Delhi chưa thể thuyết phục nhóm này ra bất kỳ tuyên bố chung nào kể từ khi tiếp nhận vị trí chủ tịch vào tháng 12 năm ngoái.
Khi bế mạc hội nghị, Ấn Độ phải ra tuyên bố chủ tịch và tài liệu kết quả hội nghị để tổng kết nội dung họp trong 2 ngày, cũng vì các nước không thể nhất trí tuyên bố chung.
(Nguồn: Tiền phong)
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo
Phẫn nộ