Ngày 12/12, tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức hội nghị đánh giá công tác xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa giai đoạn 2018-2024. Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ GDĐT, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo 63 Sở GDĐT và các phòng chuyên môn thuộc Sở, các nhà xuất bản tham gia biên soạn, phát hành sách giáo khoa.
Quang cảnh hội nghị
Lần đầu tiên thực hiện quy trình nghiêm ngặt nhất trong biên soạn sách giáo khoa
Báo cáo đánh giá công tác xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài cho biết: Thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, lần đầu tiên sách giáo khoa được biên soạn theo hình thức xã hội hóa; việc biên soạn, thẩm định sách giáo khoa được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, bài bản.
Triển khai công tác xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, tính đến nay có 7 nhà xuất bản và 12 công ty cổ phần tham gia biên soạn và liên kết biên soạn sách giáo khoa.
Công tác xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa thu hút được số lượng tổng chủ biên, chủ biên và tác giả đông đảo, tổng số 2656 tác giả. Cơ cấu đội ngũ tác giả đa dạng gồm chuyên gia, giảng viên của các trường đại học, của các viện nghiên cứu và lần đầu có đội ngũ giáo viên phổ thông tham gia biên soạn sách giáo khoa góp phần phát huy được trí tuệ của thầy cô giáo.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài báo cáo tại hội nghị
Tác giả biên soạn sách giáo khoa công tác ở các vùng miền khác nhau, các bộ sách giáo khoa được biên soạn với cách tiếp cận khác nhau, phù hợp với đặc điểm giáo dục của từng vùng miền, sát với thực tế giảng dạy của các địa phương trong điều kiện cùng một chương trình giáo dục phổ thông.
Công tác xã hội hóa trong khâu tổ chức dạy thực nghiệm của các tổ chức biên soạn sách giáo khoa được đánh giá thành công, việc phối hợp giữa các Sở GDĐT và các tổ chức biên soạn sách giáo khoa tốt, diện thực nghiệm bảo đảm độ phủ kín các vùng miền khác nhau trên cả nước. Số tiết thực nghiệm, quy trình tổ chức thực nghiệm bảo đảm theo quy định. Những thông tin phản hồi từ quá trình dạy thực nghiệm và góp ý của giáo viên đã góp phần quan trọng giúp cho các bộ sách chuẩn xác hơn về ngữ liệu, phù hợp hơn đối với điều kiện dạy học thực tế của các địa phương.
Việc biên soạn sách giáo khoa xã hội hóa đã bảo đảm các môn học, hoạt động giáo dục đều có sách giáo khoa được biên soạn theo hình thức xã hội hóa, môn học có ít nhất là 1 sách giáo khoa, môn học có nhiều nhất là 10 sách giáo khoa, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người học, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội và điều kiện tổ chức giảng dạy khác nhau giữa các vùng miền trên phạm vi cả nước.
Khẳng định thẩm định sách giáo khoa được tổ chức theo quy trình chặt chẽ được quy định tại các thông tư, Vụ trưởng Thái Văn Tài cho biết, Bộ GDĐT xây dựng được bộ tiêu chuẩn, tiêu chí nhận xét đánh giá sách giáo khoa giúp cho việc nhận xét, đánh giá sách giáo khoa khách quan, công bằng, chính xác. Lần đầu tiên huy động số lượng các thành viên tham gia Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa đông đảo, khoảng 1404 thành viên, đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, học viện và các trường phổ thông từ các vùng miền khác nhau và tham mưu cho Bộ trưởng Bộ GDĐT phê duyệt.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài chủ trì thảo luận tại hội nghị
Việc lựa chọn sách giáo khoa được thực hiện theo quy trình chặt chẽ quy định tại các thông tư, tôn trọng và phát huy trí tuệ giáo viên, tạo điều kiện cho giáo viên chủ động lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội và điều kiện tổ chức giảng dạy tại địa phương. Quá trình lựa chọn sách giáo khoa giúp các địa phương, các cơ quan quản lý giáo dục và các cơ sở giáo dục năng động hơn, trách nhiệm hơn đối với hoạt động dạy và học tại địa phương, cơ sở giáo dục của mình.
Đã huy động thêm nhiều cá nhân, tổ chức tham gia phát hành sách giáo khoa. Sự cạnh tranh góp phần thúc đẩy các nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân đổi mới, sáng tạo, qua đó làm cho chất lượng sách giáo khoa ngày càng tốt hơn, giúp hạ giá thành sách giáo khoa. Các nhà xuất bản cũng có các chương trình tặng sách giáo khoa, tặng tủ sách dùng chung giúp giảm bớt khó khăn đối với các học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa là chủ trương đúng, cần tiếp tục thực hiện
Từ thực tiễn triển khai công tác xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa trong thời gian qua, đại diện lãnh đạo các Sở GDĐT, các nhà xuất bản đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cách thức triển khai, những vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ và đề xuất các giải pháp để tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.
Một trong những đánh giá được nhiều các Sở GDĐT, nhà xuất bản nhấn mạnh, đó là công tác chỉ đạo sâu sát, kịp thời, trách nhiệm của Bộ GD ĐT với một công việc “mới, khó, phức tạp” trong giai đoạn vừa qua. “Xã hội hóa sách giáo khoa là chủ trương đúng đắn, cần tiếp tục thực hiện” cũng được khẳng định trong nhiều ý kiến.
Ông Nguyễn Bá Cường, Giám đốc Nhà xuất bản Đại học Sư phạm chia sẻ tại hội nghị
Theo ông Nguyễn Bá Cường, Giám đốc Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, cả ngành Giáo dục từ trung ương tới địa phương đã rất nỗ lực tham gia vào công tác này. “Đại diện cho Nhà xuất bản Đại học sư phạm và với tư cách cá nhân, tôi có thể khẳng định chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa là vô cùng đúng đắn, và cần phải tiếp tục thực hiện chủ trương này vì nó đã đi vào thực tiễn, khẳng định sự thiết thực và hiệu quả”, ông Nguyễn Bá Cường chia sẻ.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của đội ngũ tác giả, cũng như công tác thẩm định chặt chẽ trong biên soạn sách giáo khoa, ông Lê Hoàng Hải, Phó Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết, đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã huy động gần 1000 tác giả tham gia biên soạn sách giáo khoa với những chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm, các giảng viên đại học, nhà khoa học, giáo viên.
Với sự chỉ đạo sát sao của Bộ GDĐT và các đơn vị chức năng, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã hoàn thành 2 bộ sách, với 485 đầu sách giáo khoa đã được Bộ trưởng Bộ GDĐT phê duyệt.
Đánh giá cao sự chủ động và trách nhiệm của Bộ GDĐT trong việc ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Quảng Nam Thái Viết Tường chia sẻ, Bộ GDĐT đã có hướng dẫn cụ thể qua các văn bản chi tiết với cơ sở, rõ ràng chức năng nhiệm vụ từ Bộ, đến UBND các tỉnh, các Sở GDĐT, các cơ sở giáo dục, các nhà xuất bản, để các đơn vị dễ dàng trong triển khai thực hiện.
Ông Thái Viết Tường, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Quảng Nam trao đổi tại hội nghị
“Bộ GDĐT đã kịp thời điều chỉnh, khắc phục những hạn chế, bất cập phát sinh trong quá thực hiện; việc phê duyệt và công bố danh mục sách giáo khoa được cải thiện kịp thời hơn; việc tổ chức giới thiệu sách của các nhà xuất bản cũng kịp thời và có chất lượng hơn… thể hiện sự sâu sát của Bộ GDĐT trong việc lắng nghe cơ sở cũng như dư luận xã hội về vấn đề này”, Giám đốc Sở GDĐT Quảng Nam nói.
Về công tác lựa chọn sách giáo khoa, ông Thái Viết Tường cho biết, tỉnh Quảng Nam luôn chủ động nghiên cứu kỹ các văn bản, hướng dẫn của Bộ, đồng thời có văn bản hướng dẫn chi tiết cho cơ sở thực hiện; chỉ đạo việc đọc, nghiên cứu sách giáo khoa đầy đủ, nghiêm túc, chất lượng; tôn trọng đề xuất của cơ sở giáo dục trong lựa chọn sách giáo khoa. Từ đó, kết quả lựa chọn sách giáo khoa luôn phù hợp với đề xuất của cơ sở giáo dục, không có sai sót, được xã hội đồng tình, đánh giá cao.
Khẳng định ưu thế nổi bật của việc thực hiện một chương trình có nhiều sách giáo khoa là tạo ra nhiều hướng tiếp cận các nội dung giảng dạy cho giáo viên và học sinh, tạo điều kiện để giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Nam Định Bùi Văn Khiết cho rằng, giáo viên, học sinh có nhiều lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với quá trình và điều kiện giảng dạy, học tập.
Ông Bùi Văn Khiết, Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Nam Định trao đổi tại hội nghị
Cũng theo ông Bùi Văn Khiết, giá của các bộ sách có sự cạnh tranh đã đảm bảo lợi ích tối ưu cho học sinh; không còn sự độc quyền trong phát hành sách giáo hoa, từ đó chất lượng các bộ sách được nâng cao và hoàn thiện.
Quan trọng hơn, theo Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Nam Định, việc thực hiện một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa giúp giáo viên, lãnh đạo quản lý giáo dục thay đổi tư duy, cách nghĩ và hiểu đúng “chương trình mới là pháp lệnh, sách giáo khoa chỉ là tài liệu tham khảo trong quá trình dạy, chỉ có tính hướng dẫn” từ đó chủ động, sáng tạo, linh hoạt hơn trong việc chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trao đổi về công tác phát hành sách giáo khoa ở một địa phương khó khăn về điều kiện kinh tế, điều kiện đi lại như Hà Giang, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GDĐT tỉnh Hà Giang cho hay, Sở GDĐT đã thực hiện nghiêm túc các quy định của Bộ GDĐT, hướng dẫn các trường trong lựa chọn sách giáo khoa, phối hợp tốt với các nhà cung ứng sách giáo khoa trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ cha mẹ học sinh.
Với nhiều gia đình học sinh phải chờ chế độ hỗ trợ, chưa chủ động trong đăng ký sách giáo khoa, Sở GDĐT sẽ cùng nhà trường bảo lãnh đảm bảo đủ sách giáo khoa cho học sinh. Đồng thời, vận động các nhà tài trợ, tổ chức, cá nhân quyên góp sách giáo khoa cho những khu vực đặc biệt khó khăn.
Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GDĐT TP Hồ Chí Minh tham luận tại hội nghị
Là địa bàn đông học sinh, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GDĐT TP Hồ Chí Minh chia sẻ, việc phát hành sách giáo khoa tại TP Hồ Chí Minh được các cơ sở giáo dục chủ động phối hợp với nhiều đơn vị cung ứng sách giáo khoa, kịp thời nhu cầu thống kê về số lượng và đảm bảo tiến độ cung ứng trước khi năm học mới bắt đầu.
Quyết tâm lớn, hoàn thành tốt một nhiệm vụ mới, khó, phức tạp
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đánh giá: Trong thời gian qua, với sự quyết tâm rất lớn, tinh thần trách nhiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, các chủ thể tham gia như cán bộ quản lý, thầy cô giáo, nhà xuất bản… đã hoàn thành tốt công tác xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa – một nhiệm vụ mới, khó khăn, phức tạp, nhạy cảm.
Theo Thứ trưởng, trải qua những thách thức, đến thời điểm này, công tác xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Toàn ngành đã thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; từ đó khẳng định chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa là hết sức đúng đắn.
Bộ GDĐT đã ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định, hướng dẫn, tổ chức thực hiện việc biên soạn sách giáo khoa, tổ chức thẩm định sách giáo khoa, lựa chọn sách giáo khoa và các văn bản hướng dẫn tập huấn, bồi dưỡng giáo viên sử dụng sách giáo khoa phục vụ đổi mới chương trình, sách giáo khoa… Trong quá trình thực hiện, luôn lắng nghe để kịp thời điều chỉnh sâu sát, triệt để.
Quá trình thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa đã thu hút được nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức tham gia biên soạn. Tác giả tham gia biên soạn sách giáo khoa tăng cả về số lượng và chất lượng. Số lượng tác giả có học hàm, học vị từ tiến sĩ trở lên chiếm gần 3/4 tổng số tác giả.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội nghị
“Đặc biệt, lần đầu tiên việc biên soạn sách giáo khoa đã thu hút được đội ngũ giáo viên đang giảng dạy tại các trường phổ thông tham gia biên soạn. Đây cũng là một cơ hội để nâng tầm đội ngũ giáo viên phổ thông”, Thú trưởng nói.
Đề cập tới quy trình thẩm định với các bước rất chặt chẽ, kỹ lưỡng và khoa học “lần đầu tiên thực hiện”, Thứ trưởng khẳng định, công tác thẩm định được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả; nhận được sự đánh giá cao của các nhà khoa học, nhà chuyên môn qua mỗi lần thẩm định.
Sách giáo khoa được lựa chọn phù hợp với đặc điểm kinh tế – xã hội của địa phương và điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục; công tác xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa đã đạt được những hiệu quả cả về mặt chuyên môn, hiệu quả về kinh tế và hiệu quả xã hội, nhận được sự đồng tình rất cao; nâng cao nhận thức về công tác biên soạn sách giáo khoa, không chỉ trong ngành Giáo dục, mà còn cho toàn xã hội.… cũng là những kết quả quan trọng được Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng ghi nhận.
Để tiếp tục làm tốt hơn công việc “mới, khó” là xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng yêu cầu Vụ Giáo dục Trung học phối hợp với các vụ, cục có liên quan tổng hợp ý kiến tại hội nghị, báo cáo lãnh đạo Bộ để tiếp thu, chỉ đạo, điều chỉnh phù hợp.
Với các nhà xuất bản, Thứ trưởng đề nghị tiếp tục rà soát các khâu liên quan đến biên soạn sách giáo khoa thuộc thẩm quyền, chức năng; tiết kiệm các khâu trung gian, đa dạng khâu phát hành để sách giáo khoa đến học sinh, giáo viên đúng, đủ, kịp thời, chất lượng, giá cả phù hợp; tăng cường trách nhiệm xã hội, hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc, vùng bị thiên tai…
Với các cơ sở đào tạo giáo viên, Thứ trưởng nhấn mạnh yêu cầu đầu ra với sinh viên sư phạm về khả năng thích ứng cao và năng lực ngoại ngữ.
Thứ trưởng đề nghị các Sở GDĐT tiếp tục tăng cường nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên đối với việc đổi mới giáo dục nói chung, công tác biên soạn sách giáo khoa nói riêng. Các Sở GDĐT tập trung chỉ đạo công tác quản lý, dạy học bảo đảm chất lượng. Đồng thời, tiếp tục phối hợp tốt hơn nữa với các nhà xuất bản, tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh trong phê duyệt danh mục sách giáo khoa, tổ chức tốt việc lựa chọn sách giáo khoa.
Nguồn: https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=10115