Lần đầu tiên kể từ năm 2011, Mỹ tổ chức Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 30, từ ngày 11-17/11. Các nhà lãnh đạo của 21 thành viên APEC sẽ tề tựu tại San Francisco để thảo luận về cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thương mại tốt hơn trên toàn khu vực.
Nhưng tâm điểm chú ý năm nay lại là sự kiện diễn ra bên lề: Cuộc hội đàm trực tiếp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jinping) vào ngày 15/11.
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Trung năm nay diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ băng giá giữa Bắc Kinh và Washington, cũng như tình trạng hỗn loạn toàn cầu với các điểm nóng xung đột ở Trung Đông và Ukraine.
Tìm cách thúc đẩy liên lạc song phương
Cuộc gặp được nhiều người theo dõi giữa ông Biden và ông Tập trên đất Mỹ sẽ tập trung vào việc tăng cường liên lạc song phương trong bối cảnh xung đột toàn cầu leo thang và giải quyết các thách thức như hoạt động buôn bán fentanyl bất hợp pháp, Nhà Trắng cho biết hôm 13/11.
Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan nói với các phóng viên rằng Mỹ đang tìm kiếm “những kết quả cụ thể” từ cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo sau một năm, và mặc dù không chỉ đích danh kết quả nào, nhưng ông đã cung cấp một số manh mối. Ông nói: “Chúng tôi tin rằng có những lĩnh vực mà lợi ích của hai bên giao nhau, chẳng hạn như nỗ lực của chúng tôi nhằm chống lại hoạt động buôn bán trái phép fentanyl”.
“Cũng có những lĩnh vực mà chúng ta có thể quản lý cạnh tranh hiệu quả hơn – ví dụ như bằng cách thiết lập lại liên lạc giữa quân đội với quân đội. Và tất nhiên, có những vấn đề toàn cầu quan trọng mà hai nhà lãnh đạo sẽ cần thảo luận, bao gồm cuộc chiến của Nga ở Ukraine và cuộc khủng hoảng đang gia tăng ở Trung Đông”, ông Sullivan cho biết.
Liên lạc giữa Quân đội Trung Quốc (PLA) với Quân đội Mỹ đã bị gián đoạn kể từ năm ngoái sau chuyến thăm đảo Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ lúc bấy giờ là bà Nancy Pelosi. Mối quan hệ càng trở nên tồi tệ hơn sau khi Mỹ bắn hạ một khinh khí cầu nghi do thám của Trung Quốc bay qua Bắc Mỹ hồi tháng 2 năm nay.
Ông Sullivan cho biết liên lạc giữa quân đội hai nước là cách để đảm bảo cạnh tranh không dẫn đến xung đột và Trung Quốc đã có thái độ “mang tính xây dựng” về vấn đề này trong cuộc đối thoại trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh giữa ông Tập và ông Biden.
“Chúng ta sẽ xem điều gì xảy ra ở San Francisco và liệu chúng ta có đạt được tiến bộ trong việc khôi phục các mối liên hệ giữa quân đội với quân đội hay không”, ông Sullivan nói.
Cuộc họp cũng dự kiến sẽ đề cập đến các vấn đề toàn cầu từ xung đột Israel-Hamas ở Trung Đông đến xung đột Nga-Ukraine ở Đông Âu, mối quan hệ của Triều Tiên với Nga, vấn đề đảo Đài Loan, nhân quyền, trí tuệ nhân tạo (AI) cũng như quan hệ kinh tế và thương mại “công bằng”, các quan chức cấp cao trong chính quyền Biden cho biết.
Ông Biden và ông Tập đã biết nhau hơn một thập kỷ và trò chuyện nhiều giờ liền trong 6 lần tương tác kể từ khi ông Biden trở thành Tổng thống Mỹ đầu năm 2021. Tuy nhiên, kể từ đó, hai nhà lãnh đạo mới chỉ gặp mặt trực tiếp một lần ở Indonesia vào tháng 11 năm ngoái, và ông Tập đã không đến thăm Mỹ kể từ năm 2017.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, họ hy vọng hai nhà lãnh đạo sẽ có “liên lạc sâu sắc về các vấn đề có tầm quan trọng cơ bản, bao quát và chiến lược” đối với cả mối quan hệ song phương và toàn cầu, và rằng Bắc Kinh không tìm kiếm xung đột.
“Trung Quốc không sợ cạnh tranh, nhưng chúng tôi không đồng ý rằng quan hệ Trung-Mỹ nên được xác định bằng cạnh tranh”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh (Mao Ning) nói với các phóng viên ở Bắc Kinh hôm 13/11.
“Chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ hành động theo cam kết không tìm kiếm một cuộc Chiến tranh Lạnh mới với Trung Quốc và không có ý định tìm kiếm một cuộc xung đột với Trung Quốc, đồng thời hợp tác với Trung Quốc để đưa quan hệ song phương trở lại quỹ đạo phát triển lành mạnh và ổn định”, bà Mao bổ sung.
Thiên về ngăn ngừa khủng hoảng
Căng thẳng Mỹ-Trung đã leo thang trong vài năm qua, bắt đầu bằng thuế quan dưới thời chính quyền Donald Trump và lan sang các hạn chế công nghệ rộng hơn dưới thời chính quyền Biden.
Những tranh cãi xung quanh vụ khinh khí cầu nghi do thám của Trung Quốc bay trong không phận Mỹ hồi tháng 2 đã tiết lộ mối quan hệ song phương đã trở nên mong manh như thế nào. Vụ việc đã khiến hai nước đình chỉ các cuộc đàm phán cấp cao vốn đã hạn chế.
Hồi tháng 4, trong bối cảnh quan hệ song phương xuống mức thấp mới, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington DC đã công bố một báo cáo mô tả mối quan hệ Mỹ-Trung dường như “bị mắc vào một vòng luẩn quẩn ngày càng tồi tệ”.
“Điều này chuyển thành một sự bế tắc – và, trên thực tế, là những căng thẳng gia tăng – thậm chí còn đi xa hơn tình trạng tiến thoái lưỡng nan về an ninh điển hình, trong đó mỗi bên thực hiện các bước để tự vệ, từ đó tạo ra sự bất an cho bên kia và theo sau là phản ứng tương xứng”, báo cáo của CSIS cho biết.
Mọi việc chỉ bắt đầu tốt lên từ hồi tháng 6 sau chuyến thăm Bắc Kinh của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, và tiếp theo là chuyến thăm của một số quan chức cấp cao khác.
Đầu tháng 10, Lãnh đạo đa số Thượng viện Mỹ Chuck Schumer và 5 Thượng nghị sĩ Mỹ khác đại diện cho cả Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ đã có cuộc gặp kéo dài 80 phút với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Nhưng kỳ vọng vào Hội nghị Thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Trung Quốc trong tuần này vẫn tương đối thấp. Quan hệ Washington-Bắc Kinh hiện nay thiên về ngăn ngừa khủng hoảng hơn, và cả hai bên vẫn đang chờ đợi thêm hành động.
“Trọng tâm sẽ là mở rộng đối thoại nhằm giảm thiểu rủi ro trong mối quan hệ và ngăn chặn một cuộc khủng hoảng mà cả hai nhà lãnh đạo đều không mong đợi”, ông Michael Hirson, người đứng đầu bộ phận Nghiên cứu Trung Quốc tại công ty 22V Research, cho biết.
“Các vấn đề nóng như đảo Đài Loan và Biển Đông cần được quản lý cẩn thận”, ông Hirson nói, lưu ý về thời điểm diễn ra cuộc gặp là trước thềm cuộc đua lãnh đạo Đài Loan vào tháng 1 và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm sau.
Bà Shen Yamei, người đứng đầu mảng Nghiên cứu Mỹ tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc (CIIS) trực thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho rằng quan hệ Trung-Mỹ hiện nay đang ở giai đoạn “nới lỏng”.
“Việc nới lỏng này là để bầu không khí được thư giãn. Không có thay đổi thực tế nào xảy ra cả”, bà Shen nói bằng tiếng Quan Thoại, do CNBC dịch. Tuy nhiên, bà chỉ ra rằng việc thiết lập nhiều kênh liên lạc mới đồng nghĩa với việc còn nhiều điều đáng mong đợi.
“Ngoài vấn đề Đài Loan, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu là mối quan tâm hàng đầu của Bắc Kinh, nhưng không có không gian chính trị nào ở Washington để bãi bỏ các biện pháp kiểm soát hiện có”, ông Gabriel Wildau, giám đốc điều hành tại công ty tư vấn Teneo, cho biết trong một ghi chú.
“Kết quả ngay sau cuộc gặp giữa ông Biden và ông Tập có thể sẽ đánh dấu một đỉnh cao mang tính chu kỳ cho quan hệ song phương”, ông Wildau nhận định.
“Câu hỏi quan trọng là liệu đỉnh cao này có kéo dài đến trạng thái ổn định hay không, hay áp lực chính trị có gây ra một chu kỳ suy thoái mới hay không”, ông nói. “Như chúng ta đã biết, khoảng thời gian kể từ tháng 6 tới giờ đã mang đến cơ hội ổn định quan hệ, nhưng sau cuộc hội đàm cấp cao, không rõ cửa sổ này có bị đóng lại”.
APEC là viết tắt của cụm từ Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương. Đây là diễn đàn nhằm thúc đẩy thương mại, đầu tư và phát triển kinh tế giữa các quốc gia quanh Thái Bình Dương.
Nhóm bắt đầu với 12 thành viên vào năm 1989, nhưng đến nay đã phát triển lên 21 thành viên bao gồm Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Mỹ và Úc. Hội nghị các nhà lãnh đạo (Hội nghị Thượng đỉnh) hàng năm quy tụ các nguyên thủ quốc gia và các nhà lãnh đạo kinh tế và ngoại giao hàng đầu khác.
Nhà Trắng cho biết, mục tiêu của Hội nghị Thượng đỉnh APEC năm nay là cố gắng làm cho các nền kinh tế APEC trở nên kiên cường hơn, đặc biệt khi đối mặt với các vấn đề khí hậu ngày càng gia tăng và sau một đại dịch toàn cầu khiến hàng triệu người thiệt mạng và làm căng thẳng chuỗi cung ứng.
Sức mạnh của APEC nằm ở khả năng thúc đẩy các nước hợp tác thực hiện các sáng kiến lớn và nới lỏng quan hệ kinh doanh mà không cần đến các thỏa thuận ràng buộc. Các nhà kinh tế chỉ ra cách APEC góp phần giảm thuế quan và các rào cản thương mại khác.
Nhưng bối cảnh thương mại hiện nay đã khác so với khi APEC bắt đầu trong thời kỳ toàn cầu hóa gia tăng. Chiến lược của Mỹ tập trung vào cạnh tranh kinh tế với Trung Quốc hơn là hợp tác, ngay cả khi các nhà lãnh đạo Mỹ tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác.
Tổng thống Mỹ Biden đang tìm kiếm quan hệ đối tác với các quốc gia khác trong khu vực để phát triển các giải pháp thay thế cho hàng nhập khẩu từ Trung Quốc như thiết bị điện tử, máy móc, đồ nội thất, dệt may và các hàng hóa khác.
Minh Đức (Theo Reuters, AP, CNBC, Global News)