Ngày 6/12, Chính phủ Australia cùng các cơ quan Liên hợp quốc (LHQ) tại Việt Nam với sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị bàn tròn về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam ở Hà Nội.
Hội nghị bàn tròn về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam ngày 6/12 ở Hà Nội. (Nguồn: UNFPA) |
Sự kiện là một trong các hoạt động của Tháng hành động quốc gia về bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới và 16 ngày hành động chống lại bạo lực trên cơ sở giới toàn cầu. Hội nghị đã quy tụ các bên liên quan để thảo luận về các chiến lược xóa bỏ bạo lực và tạo ra môi trường an toàn cho tất cả mọi người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.
Hội nghị bàn tròn về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em nhấn mạnh những nỗ lực của Việt Nam trong việc giải quyết bạo lực thông qua hợp tác đa ngành, các chính sách dựa trên bằng chứng và các dịch vụ lấy người bị bạo lực làm trung tâm. Hội nghị cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phá vỡ các chuẩn mực xã hội có hại, cải thiện hệ thống dữ liệu để thúc đẩy sự thay đổi mang tính chuyển đổi cũng như cam kết của Chính phủ Australia và các cơ quan LHQ trong việc hỗ trợ Việt Nam trong chương trình nghị sự quan trọng này.
Phát biểu tại hội thảo, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải giải quyết vấn đề bạo lực như một cuộc khủng hoảng toàn cầu và quốc gia.
“Trên toàn cầu, 650 triệu phụ nữ và trẻ em gái và 530 triệu nam giới và trẻ em trai đã phải chịu đựng bạo lực khi còn nhỏ, mỗi 3 trẻ em thì có 2 trẻ em phải đối mặt với kỷ luật bạo lực tại nhà. Tại Việt Nam, cứ 3 phụ nữ thì có gần hai người phải chịu bạo lực do bạn tình gây ra, hơn 90% người bị bạo lực không bao giờ lên tiếng. Đằng sau những con số này là một cuộc sống thực, nơi gia đình và cộng đồng bị chia cắt bởi những tổn thương. Chúng ta vẫn còn hy vọng khi Việt Nam tăng cường luật pháp, chính sách và chương trình để giải quyết những vấn đề nghị sự quan trọng này”, bà Tamesis nói.
Bà Tamesis cũng đã đưa ra các lĩnh vực hành động chính, bao gồm tích hợp các dịch vụ trên khắp các lĩnh vực, xây dựng lòng tin trong cộng đồng, tăng cường hệ thống dữ liệu, nỗ lực giải quyết và hỗ trợ nhu cầu của thanh thiếu niên, lắng nghe tiếng nói của những người bị bạo lực, thu hút nam giới và trẻ em trai tham gia thay đổi các chuẩn mực có hại và tăng cường năng lực của lực lượng lao động.
Điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam kêu gọi: “Sự hợp tác giữa các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia và các đối tác quốc tế là rất quan trọng để chấm dứt bạo lực. Hãy cùng nhau tạo ra một tương lai mà bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam không chỉ là điều không thể chấp nhận và dung thứ được mà còn là không thể tưởng tượng được.”
Bà Micaela Cronin, Chủ nhiệm Ủy ban phòng chống bạo hành gia đình và lạm dụng tình dục của Chính phủ Australia, trong chuyến thăm cấp cao tới Việt Nam, đã tham gia hội nghị bàn tròn và chia sẻ những bài học từ nỗ lực của Australia trong việc chống lại bạo lực trên cơ sở giới.
Bà Micaela Cronin cho biết: “Tại Australia, chúng tôi đã học được rằng các phương pháp tiếp cận lấy người bị bạo lực là trọng tâm và các dịch vụ phối hợp là chìa khóa để tạo nên sự khác biệt. Các chiến lược tích hợp của Việt Nam rất hứa hẹn và chúng tôi cam kết hỗ trợ Việt Nam trên hành trình này”.
Đại diện từ Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và các đơn vị tuyến đầu đã giới thiệu các mô hình thành công của các sáng kiến thành phố an toàn và thành phố thân thiện với trẻ em cũng đã nhấn mạnh giá trị của các phương pháp tiếp cận đa ngành trong việc cung cấp hỗ trợ kịp thời và hiệu quả cho những người bị bạo lực.
Với vai trò là những người điều phối trong các phiên quan trọng xuyên suốt Hội nghị Bàn tròn, Trưởng Đại diện các cơ quan LHQ cũng đã nêu những ưu tiên và lộ trình trong việc chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em:
Ông Matt Jackson, Đại diện Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) tại Việt Nam nhấn mạnh cam kết của các cơ quan LHQ trong việc giải quyết bạo lực thông qua các phương pháp tiếp cận mang tính chuyển đổi và lấy người bị bạo lực làm trung tâm.
“Đã có những tiến triển nhất định, nhưng hành trình này vẫn chưa kết thúc. Trọng tâm chung để chấm dứt bạo lực là phòng ngừa, đảm bảo tiếp cận các dịch vụ và giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của bạo lực. Cùng nhau, chúng ta có thể xây dựng một tương lai an toàn hơn, công bằng hơn cho tất cả phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam”, ông Matt Jackson nhấn mạnh.
Hội nghị bàn tròn về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam nhấn mạnh những nỗ lực của Việt Nam trong việc giải quyết bạo lực thông qua hợp tác đa ngành, các chính sách dựa trên bằng chứng và các dịch vụ lấy người bị bạo lực làm trung tâm. (Nguồn: UNFPA) |
Trong khi đó, bà Caroline Nyamayemombe, Trưởng Đại diện Cơ quan LHQ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam cho biết: “Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em là vấn đề mà cả xã hội cần tập trung giải quyết. Chúng ta phải kết thúc những chuẩn mực có hại, trao quyền cho những người bị bạo lực, đầu tư vào giáo dục và phòng ngừa. Cùng với Chính phủ Việt Nam và các đối tác, chúng tôi đang xây dựng một tương lai không còn bạo lực trên cơ sở giới.”
Về phần mình, bà Silvia Danailov, Trưởng Đại diện của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) tại Việt Nam chia sẻ: “Thiếu niên và trẻ em là những đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương, do các em phải chịu nhiều hình thức bạo lực – tại gia đình, trong các mối quan hệ thân mật, và trong cộng đồng. Giải quyết sự giao thoa giữa bạo lực đối với phụ nữ và bạo lực đối với trẻ em là điều cần thiết để xây dựng khả năng phục hồi trong gia đình và cộng đồng, chấm dứt vòng luẩn quẩn của bạo lực phụ nữ và trẻ em.”
Thông qua những chia sẻ từ các khách mời là đại diện từ Chính phủ Việt Nam: ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; bà Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Lê Khánh Lương, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; chính quyền cấp tỉnh – Đà Nẵng, thành phố an toàn và thân thiện với trẻ em và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM, Hội nghị bàn tròn tái khẳng định cam kết thực hiện Chiến lược dài hạn của Việt Nam hướng đến xây dựng hoạt động ứng phó đa ngành và tích hợp để quản lý chất lượng và phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.
Chiến lược ấy cũng nằm trong khuôn khổ của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi năm 2022), Luật trẻ em (2016), và các Chương trình quốc gia về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới (2026-2030); Phòng, chống bạo lực gia đình (2026-2030); và Xóa bỏ bạo lực đối với trẻ em (2020-2025), bao gồm Luật Phòng ngừa và Kiểm soát bạo lực gia đình (2022), Luật Trẻ em (2016) và các chương trình quốc gia về phòng ngừa và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới.
Nguồn: https://baoquocte.vn/hoi-nghi-ban-tron-ve-bao-luc-doi-voi-phu-nu-va-tre-em-tai-viet-nam-296452.html