Ngày 26/1, Bộ Công an tổ chức buổi làm việc với Hội Luật gia Việt Nam nhằm đánh giá tình hình tổ chức và hoạt động của Chi hội Luật gia Bộ Công an trong thời gian qua, đề ra các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động trong thời gian tới. Đồng thời, tăng cường quan hệ phối hợp giữa Bộ Công an và Hội Luật gia Việt Nam trong việc xây dựng chính sách, pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật.
Tham dự buổi làm việc, về phía Hội Luật gia Việt Nam có TS.Nguyễn Văn Quyền, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam; đồng chí Trần Công Phàn, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam; đồng chí Trần Đức Long, Uỷ viên Đảng đoàn, Bí thư Đảng uỷ, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam; đồng chí Lê Thị Kim Thanh, Uỷ viên đảng đoàn, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam; đồng chí Nguyễn Quang Dũng; Uỷ viên Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; đồng chí Nguyễn Khánh Ngọc; Uỷ viên Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; cùng các đồng chí trong Ban chấp hành Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, Ban Thường vụ, Trưởng và Phó các ban chuyên môn Trung ương Hội Luật gia Việt Nam.
Về phía Bộ Công an có Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Bí thư Đảng uỷ, Cục Trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp, Bộ Công an; Thiếu tướng Vũ Ngọc Hùng, Cục phó Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an; Thiếu tướng Vũ Hữu Tài, Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an; cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc cơ quan Bộ, Ban giám đốc các học viện, nhà trường Công an nhân dân; đại diện 35 Tổ hội và các hội viên Chi hội Luật gia Bộ Công an.
Phát biểu khai mạc, Trung tướng Lê Quốc Hùng đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực, cố gắng và thành tích đạt được của Chi hội Luật gia Bộ Công an trong thời gian qua; đồng thời, trân trọng cảm ơn Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, Chi hội luật gia các bộ, ban, ngành đã đồng hành, phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ Chi hội Luật gia Bộ Công an trong việc tổ chức và triển khai công tác Hội.
Đồng chí đề nghị các Tổ hội thuộc Chi hội luật gia Bộ Công an tập trung trí tuệ, phát huy dân chủ đánh giá những ưu, nhược điểm về tổ chức hoạt động của Chi hội Luật gia nói chung, Tổ hội Luật gia nói riêng; đồng thời, tham gia đóng góp những ý kiến thiết thực nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công tác của Chi hội Luật gia Bộ Công an, đặc biệt là trong việc tham mưu lãnh đạo Bộ hoàn thiện thể chế, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về an ninh, trật tự, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thay mặt Hội Luật gia Việt Nam, TS.Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của Chi hội Luật gia Bộ Công an trong công tác xây dựng chính sách, pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật cũng như trọng triển khai công tác Hội thời gian qua. Đồng chí cũng đề nghị Chi hội Luật gia Bộ Công an cần tích cực tham với lãnh đạo Bộ Công an các biện pháp nhằm tăng cường quan hệ phối hợp giữa Bộ Công an và Hội Luật gia Việt Nam trong thời gian tới.
Tiếp đó, các đại biểu đã nghe đại diện Chi hội Luật gia Bộ Công an báo cáo kết quả tình hình tổ chức và hoạt động của Chi hội trong thời gian qua, phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng thời, nghe đại diện một số Tổ hội Luật gia trình bày tham luận về thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả, phát huy vai trò của Tổ hội trong công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội, xây dựng, triển khai thi hành pháp luật về thi hành án phạt tù, quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, phổ biến, giáo dục, tư vấn pháp luật, hỗ trợ cho người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng…
Nêu ý kiến tại buổi làm việc, bà Lê Thị Kim Thanh, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam ghi nhận thời gian qua Chi hội Luật gia Bộ Công an đã có nhiều hoạt động, đóng góp cho sự phát triển chung của Hội Luật gia Việt Nam, từ hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật, tham gia, tham mưu xây dựng các văn bản pháp luật, cải cách hành chính, cải các tư pháp.
“Qua theo dõi hoạt động của các chi hội trực thuộc, Chi hội Luật gia Bộ Công an là một trong số các chi hội hoạt động hiệu quả”, bà Kim Thanh khẳng định.
Về công tác phối hợp giữa Bộ Công an và Hội Luật gia Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam đánh giá thời gian qua các đơn vị đã có sự phối hợp rất tốt cho Hội Luật gia Việt Nam để hoàn thành các nhiệm vụ của mình. Đồng thời, kỳ vọng chương trình phối hợp giữa Bộ Công an và Hội Luật gia Việt Nam sẽ ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn.
Tại buổi làm việc, đã diễn ra lễ ký kết Chương trình phối hợp giữa Bộ Công an và Hội Luật gia Việt Nam. Chương trình nhằm tăng cường phối hợp công tác giữa hai bên, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả các lĩnh vực công tác xây dựng chính sách, pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; tư vấn pháp luật; trợ giúp pháp lý; bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực; nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật.
Phát biểu kết luận, đồng chí Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an yêu cầu Chi hội Luật gia Bộ Công an cần tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của các thế hệ luật gia, xác định đúng phương hướng, mục tiêu, tôn chỉ, mục đích của Hội, cùng phấn đấu vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, đóng góp ngày càng nhiều vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ giải pháp trọng tâm:
Một là,để các cấp tổ hội thuộc Chi hội Luật gia Bộ Công an có điều kiện phát triển mạnh mẽ, nâng cao chất lượng các mặt hoạt động công tác hội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới của đất nước thì tổ chức và hoạt động của các cấp tổ hội phải đặt hoàn toàn dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, Đảng đoàn, Ban Thường vụ Trung ương Hội Luật gia Việt Nam và sự chỉ đạo, tạo điều kiện thường xuyên của lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo đơn vị.
Hai là, các cấp ủy đảng, lãnh đạo đơn vị cần kịp thời chỉ đạo, định hướng, thực hiện gắn kết hoạt động của Chi hội và các tổ hội với công tác chuyên môn của đơn vị; nghiêm túc quán triệt, thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo, nổi bật là: Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng; Nghị quyết số 27 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới;
Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; Kết luận số 19 của Bộ Chính trị về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; Chỉ thị số 14 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới.
Ba là, quan tâm chỉ đạo, phát huy hiệu quả công tác phối hợp giữa Chi hội Luật gia Bộ Công an với Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, với các chi hội thuộc các bộ, ban, ngành ở Trung ương trong công tác triển khai hoạt động và phát triển Hội theo tinh thần Chỉ thị số 14 của Bộ Chính trị…
Bốn là, chú trọng nâng cao nhận thức về tính chất, chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm xã hội của Hội Luật gia Việt Nam đến từng hội viên thuộc các cấp tổ hội. Theo đó, các cấp tổ hội xây dựng các chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể, thiết thực, có phương thức tổ chức và hoạt động phù hợp với tính chất, đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ của hội, tránh xu hướng hình thức và hành chính hóa. Các chương trình, kế hoạch công tác của tổ hội phải gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, đơn vị.
Năm là, thường xuyên củng cố và nâng cao năng lực tổ chức và hoạt động của các cấp tổ hội, chú trọng kiện toàn và phát huy vai trò của tổ chức bộ máy và cán bộ hội, tiến tới tổ chức thành công Đại hội Chi hội Luật gia Bộ Công an, nhiệm kỳ 2024-2029.