Hoạt động giám sát, phản biện xã hội luôn được các cấp Hội phụ nữ quan tâm, đặc biệt từ khi Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 217 – QĐ/TW ngày 12/12/2013 về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội”.
Đây được xem là chủ trương lớn, mang tính đột phá nhằm hiện thực hóa cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ; đồng thời cụ thể hóa vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội trong công tác giám sát và phản biện xã hội, là điều kiện để nâng cao vai trò, vị thế, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội, trong đó có vai trò, vị thế hết sức quan trọng của Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp.
Hiện thực hóa vai trò chủ thể giám sát
Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều văn bản nhằm cụ thể hóa các văn bản của Trung ương Hội, biên soạn các loại biểu mẫu hỗ trợ cho Hội LHPN cấp huyện và cơ sở thực hiện giám sát theo đúng quy trình; tổ chức các cuộc hội thảo, tập huấn chuyên đề, kỹ năng giám sát, định hướng nội dung cho 103 đồng chí Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội LHPN các huyện, thành, thị, cán bộ cơ quan chuyên trách Hội LHPN tỉnh, các đơn vị lực lượng vũ trang và 2.100 Uỷ viên Ban Thường vụ Hội phụ nữ cấp cơ sở, chi hội trưởng phụ nữ về công tác giám sát, phản biện xã hội theo tinh thần Quyết định 217 QĐ/TW để các cấp Hội thuận tiện hơn trong thực hiện nhiệm vụ, đồng thời thể hiện vai trò chủ thể của mình đối với hoạt động giám sát.
Bên cạnh đó, Hội LHPN các huyện, thành, thị đã chủ động phối hợp với các ngành để quán triệt Quyết định 217 đến đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã, phường, thị trấn và có nhiều hình thức phong phú để tuyên truyền đến tận hội viên.
Thông qua việc tổ chức học tập, quán triệt, tập huấn cán bộ, hội viên bước đầu nắm được quan điểm, ý nghĩa, mục đích, nội dung; qua đó nhận thức được trách nhiệm của tổ chức Hội trong thực hiện Quyết định 217 của Bộ Chính trị; xác định rõ hơn về chức năng giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội.
Chủ động đề xuất dự án liên quan đến quyền phụ nữ và trẻ em
Song song với hoạt động giám sát, các cấp Hội đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị các biện pháp, chính sách liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em, gia đình và bình đẳng giới; cung cấp kịp thời các thông tin liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới cho cấp ủy, cơ quan và cán bộ, hội viên phụ nữ.
Hội LHPN tỉnh đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh chính sách hỗ trợ phụ nữ vùng giáo, vùng biển thông qua Đề án 2095 “Tuyên truyền, vận động và hỗ trợ phụ nữ vùng giáo, vùng biển tham gia phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2013 – 2016”, Đề án “Tuyên truyền, vận động phụ nữ nông thôn chủ động tham gia bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2018 – 2022”.
Đối với cấp huyện đã tham mưu được 4 đề án: “Tuyên truyền, vận động phụ nữ chủ động trong công tác vệ sinh môi trường giai đoạn 2017-2020” của huyện Anh Sơn, Đề án “Nâng cao vai trò của tổ chức Hội PN các cấp trong công tác phân loại và xử lý rác thải tại gia giai đoạn 2017-2020” của huyện Hưng Nguyên, Đề án “Đầu tư khung dệt thổ cẩm tại Keng Đu” của huyện Kỳ Sơn và Đề án “Chăn nuôi Dê lai sinh sản” của huyện Tân Kỳ.
Chỉ đạo các cấp Hội tập trung phản biện xã hội đối với dự thảo một số luật, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phụ nữ, gia đình, trẻ em, trong đó quan tâm đến các Luật liên quan đến tổ chức Hội như: Dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật trưng cầu ý dân; Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi), Bộ Luật Hình sự (sửa đổi)…trong đó tập trung vào những nội dung: Hộ gia đình và tổ hợp tác; hình thức sở hữu; Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm về hình thức; quy định về đại diện và giám hộ; quyền sở hữu và các vật quyền khác; nghĩa vụ và hợp đồng giao dịch dân sự của gia đình; thỏa thuận thực hiện tín chấp, ủy thác giữa đoàn thể chính trị – xã hội và người được hưởng lợi ích; thừa kế; mua bán người, mang thai hộ,…
Phương Anh