Biên tập viên Anurag Singh của chuyên trang XDA Developers mới đây có bài viết chia sẻ trải nghiệm về việc “di cư” sang MacBook sau khi dùng Windows nhiều năm. Mọi chuyện bắt đầu khi chiếc laptop Windows cũ của anh bị hỏng, và thay vì tìm kiếm một sản phẩm Windows thay thế, anh quyết định bước vào “chân trời mới” với chiếc MacBook Air M3.
Theo Singh, M3 là laptop tuyệt vời, với thiết kế mỏng nhẹ và mạnh mẽ, nhưng sau khi dùng 4 tháng, trải nghiệm của anh không thật sự dễ chịu.
MacBook đi đầu về phần cứng
Dù là fan Windows lâu năm, anh phải công nhận rằng MacBook sở hữu phần cứng đi đầu trong làng laptop, đặc biệt với các con chip M. Dù mở đồng thời 20 tab Chrome (tác vụ rất nặng bởi Chrome vốn dĩ ngốn RAM và tài nguyên xử lý), chiếc máy này vẫn hoạt động trơn tru.
Anh Singh nhớ lại cảm giác khi MacBook M1 xuất hiện, như một “kẻ thay đổi cuộc chơi” với sự cân bằng giữa tốc độ và hiệu suất. Tuy nhiên, anh nhận xét rằng MacBook Air M3 không chỉ là cải tiến nhỏ mà là bước tiến lớn. “Việc nó có thể giảm một nửa thời gian biên dịch các tác vụ nặng như Xcode thực sự đáng kinh ngạc”, anh chia sẻ. Với những người thường xuyên làm việc trên các dự án lớn, tiết kiệm chỉ vài phút cũng đã tạo ra sự khác biệt.
Một điểm nổi bật khác là hiệu suất năng lượng của con chip M3. Theo anh Singh, sức mạnh vượt trội này đi kèm với mức tiêu thụ năng lượng thấp, điều mà anh mô tả “thật sự ấn tượng”. Ngoài ra, màn hình và thời lượng pin cũng không hề tệ. Dù được quảng cáo có thể kéo dài tới 18 giờ, anh thường sử dụng được khoảng 8-12 giờ, tùy thuộc vào khối lượng công việc, vẫn đủ đáp ứng cả ngày dài. Ở chế độ ngủ, máy dễ dàng duy trì pin hơn 1 tuần.
Tuy nhiên, anh Singh chỉ ra một vấn đề nhỏ: thời gian khởi động khá chậm. Khi so sánh, MacBook Air M3 mất 22,23 giây để khởi động (bao gồm cả nhập mật khẩu), trong khi một laptop Windows giá rẻ chỉ mất 11,90 giây. “Chênh lệch 10 giây không ảnh hưởng nhiều trong sử dụng hàng ngày, nhưng nó đáng để lưu ý”, anh nhận xét.
MacOS có nhiều điểm hạn chế
Anh Singh nhấn mạnh rằng khi thực hiện một thay đổi lớn về công nghệ, phần mềm, tính tương thích và hệ sinh thái ứng dụng thậm chí còn quan trọng hơn phần cứng. Trong quá trình chuyển dần sang MacBook Air M3, anh không ít lần tự hỏi liệu quyết định này có đúng đắn.
Theo anh, MacOS vẫn tồn tại nhiều điểm bất tiện, trong đó không ít đã được các chuyên gia công nghệ chỉ ra trước đây. Một ví dụ điển hình là thao tác cuộn trang mặc định của MacOS ngược với cách hoạt động trên Windows. Tất nhiên bạn vẫn có thể thay đổi trong phần cài đặt.
Safari, trình duyệt mặc định của macOS, cũng gây ra một số phiền toái. Anh không hài lòng với cách xử lý các tab, đặc biệt là tab ghim (pinned tabs). Tuy nhiên, đây không phải vấn đề lớn bởi người dùng có thể chuyển sang Chrome, Edge hoặc các trình duyệt khác dễ dàng.
Một điểm bất tiện lớn hơn là cách MacOS quản lý cửa sổ. Anh Singh cho rằng, hệ điều hành Windows vượt trội hơn về tính trực quan và sự tự do sắp xếp cửa sổ theo ý muốn của người dùng. Ví dụ, trên Windows, người dùng có thể “dồn” cửa sổ ứng dụng vào một góc màn hình để chiếm đúng một phần tư diện tích, hoặc nhanh chóng tắt tính năng này trong cài đặt nếu không thích. “MacOS có tuỳ chọn chia đôi màn hình giữa hai ứng dụng, nhưng không áp dụng cho tất cả ứng dụng và thiếu sự liền mạch”, anh nhận xét.
Tính năng Snap Layouts của Windows 11 được đánh giá là nâng tầm việc quản lý cửa sổ. Người dùng có thể chọn bố cục ngay từ nút phóng to (Maximize), tái sử dụng bố cục từ thanh tác vụ và thậm chí mang chúng sang màn hình phụ. Trong khi đó, tính năng tương tự trên MacOS Sequoia chỉ hỗ trợ chia màn hình thành 2 hoặc 4 phần, vẫn chưa linh hoạt bằng Windows.
Một vấn đề khác là tần suất phải nhập mật khẩu trên MacOS. “Từ việc cài ứng dụng trên App Store đến lên lịch cập nhật phần mềm, bạn sẽ liên tục phải nhập mật khẩu”, anh Singh phàn nàn.
Một điểm bị chê nữa là quản lý file trên MacBook.
Theo anh Singh, File Explorer trên Windows 11 mang lại nhiều tính năng tiện dụng hơn Finder của MacOS. Anh nhận thấy giao diện mặc định của File Explorer cung cấp thông tin toàn diện hơn, đặc biệt nếu người dùng sử dụng OneDrive. File Explorer tự động hiển thị các thư mục như Ảnh, Nhạc, và Video – còn Finder thì không. Ngoài ra, phần “This PC” trong File Explorer cho phép truy cập toàn bộ ổ đĩa vật lý và ảo chỉ bằng một vài cú nhấp chuột.
Điểm anh Singh yêu thích nhất ở File Explorer là mục Quick Access trong thư mục Home. Anh chia sẻ: “Tôi có thể nhanh chóng tìm thấy tệp vừa lưu, bất kể nó nằm ở đâu, và ghim các thư mục quan trọng để truy cập dễ dàng“. Finder của MacOS cũng có mục Recents và Favorites tương tự, nhưng theo anh, không trực quan bằng: “Việc di chuyển qua lại giữa các thư mục trong Finder không mượt mà như trên File Explorer”.
Anh Singh cũng cho biết thêm rằng Windows nói chung mang lại sự tiện lợi cao hơn. Anh giải thích: “Windows có nhiều tính năng, khả năng tương thích ứng dụng tốt hơn, hỗ trợ nhiều loại thiết bị và là lựa chọn hàng đầu cho việc chơi game”. Trong khi Apple gần đây bắt đầu quan tâm hơn đến lĩnh vực gaming, hệ sinh thái game trên MacOS vẫn còn rất hạn chế cả về số lượng lẫn hiệu năng.
Vì những lý do này, anh Singh quyết định bán chiếc MacBook Air M3 và chuyển sang sử dụng Microsoft Surface Laptop 7 trong tháng tới.